Giá vàng rơi tự do

Giá vàng thế giới đã mất mốc 2.000 USD/ounce. Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn chống chịu tốt. Điều này đè nặng lên vàng, vốn là tài sản trú ẩn an toàn.

Theo dữ liệu của Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, giá vàng thế giới đã rơi từ 2.020 USD/ounce xuống 1.990,7 USD/ounce. Đặc biệt, chỉ từ 19h40 đến 23h20 ngày 16/5, giá của mỗi ounce vàng đã giảm 24 USD.

Trả lời Zing, ông Edward Moya - chuyên gia tài chính cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cho rằng thị trường vàng chịu sức ép lớn khi giới đầu tư nóng lòng chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ.

Suốt nhiều tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bất đồng về việc nới trần nợ công của chính phủ liên bang Mỹ, hiện ở mức 31.400 tỷ USD. Nước này đã đạt đến trần cho vay theo luật định vào tháng 1. Kể từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ phải sử dụng các biện pháp kế toán đặc biệt để bơm tiền mặt.

Nói với Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết các biện pháp đó chỉ duy trì được đến ngày 1/6.

Giá vàng thế giới rơi tự do trong phiên 16/5. Ảnh: Trading Economics.

Giá vàng thế giới rơi tự do trong phiên 16/5. Ảnh: Trading Economics.

"Trong khi đó, vàng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ các dữ liệu kinh tế mới nhất. Hy vọng về một cuộc hạ cánh an toàn vẫn còn treo lơ lửng. Điều đó ngăn cản giới đầu tư đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn", ông Moya lập luận.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ đã tăng 0,4% trong tháng 4 sau 2 tháng sụt giảm. Điều này cho thấy sức mạnh chi tiêu vẫn đang thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

"Dữ liệu doanh số bán lẻ trong tháng 4 cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế. Người tiêu dùng đang ưu tiên du lịch và trải nghiệm, chẳng hạn ăn ở nhà hàng", bà Natalie Kotlyar tại BDO bình luận.

Hơn nữa, thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Điều này thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Mỹ đã có thêm 253.000 việc làm trong tháng 4. Thu nhập trung bình mỗi giờ cũng tăng 0,5% lên 33,36 USD.

Trong khi đó, vàng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ các dữ liệu kinh tế mới nhất. Hy vọng về một cuộc "hạ cánh an toàn" vẫn còn treo lơ lửng. Điều đó ngăn cản giới đầu tư đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn

Chuyên gia tài chính Edward Moya

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 53 năm vào tháng 3.

"Cuối cùng, thị trường lao động vẫn là yếu tố quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Số lượng việc làm và tiền lương gia tăng sẽ kéo theo tăng trưởng thu nhập cá nhân, từ đó thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng", chuyên gia kinh tế trưởng Kathy Bostjancic tại Nationwide Mutual bình luận.

Một khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn chống chịu tốt, giá vàng sẽ chịu áp lực lớn.

Trước hết, vàng được coi là một tài sản trú ẩn an toàn. Kim loại quý sẽ hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn.

Thêm vào đó, nền kinh tế chống chịu tốt đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa thể dừng tăng lãi suất. Vàng vốn nhạy cảm với lãi suất, vì lãi suất tăng cao làm chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng gia tăng.

Chỉ cách đây 10 ngày, các thị trường gần như chắc chắn (96,3%) rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành ở vùng 5-5,25% trong cuộc họp chính sách tháng 6. Nhưng niềm tin đó giờ đã lung lay.

Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 là 74,5%. Trong khi đó, khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 25,5%, tăng mạnh so với tỷ lệ 3,7% cách đây 10 ngày (ngày 6/5).

Dù vậy, theo ông Moya, vẫn còn nhiều yếu tố có thể hỗ trợ giá vàng, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ và những bất ổn trong hệ thống ngân hàng nước này.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-vang-roi-tu-do-post1431796.html