Gia Viễn nâng 'chất' nguồn nhân lực ngành du lịch

Trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn mới, huyện Gia Viễn phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025. Để thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút khách trong nước và quốc tế, huyện Gia Viễn đã tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thậm chí nỗ lực để mỗi người dân đều có thể trở thành một 'đại sứ' du lịch.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của huyện Gia Viễn ngày càng chuyên nghiệp.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của huyện Gia Viễn ngày càng chuyên nghiệp.

Chị Thu Hường, ở xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) gắn bó và đam mê với công việc của một hướng dẫn viên du lịch từ hơn 10 năm nay. Chị Hường kể, từ năm 2010, tôi là 1 trong 20 bạn trẻ ở xã Gia Sinh khởi đầu với công việc là hướng dẫn viên du lịch ở chùa Bái Đính. Mới làm nghề, tôi gặp nhiều khó khăn bởi nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm… đều không có. Tuy vậy, khi xác định gắn bó với nghề thì tôi và các đồng nghiệp khác bắt đầu tham gia các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ do địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức. Ngoài ra, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức qua sách báo, tài liệu, qua những người cao niên ở địa phương… về mảnh đất Gia Sinh giàu truyền thống, về lịch sử của ngôi chùa Bái Đính... Sau hơn 10 năm làm nghề, hiện nay tôi được tín nhiệm làm đội trưởng đội Hướng dẫn viên du lịch của xã. Số lượng hướng dẫn viên cũng tăng lên 60 người, đều đạt các kỹ năng cơ bản của một hướng dẫn viên du lịch, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Trong tổng số 60 người làm hướng dẫn viên du lịch ở Gia Sinh thì có nhiều người vốn xuất thân là nông dân, chưa từng qua trường lớp đào tạo nào và hầu hết có độ tuổi ngoài 30. Để trở thành hướng dẫn viên giỏi nghề, tạo ấn tượng tốt với du khách, các hướng dẫn viên đã không ngừng học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân mình. Mới đây, các hướng dẫn viên ở xã Gia Sinh đã tham gia vào lớp bồi dưỡng tiếng Anh; kỹ năng phục vụ ăn nghỉ tại nhà hàng, khách sạn…

Những kiến thức được học, theo đánh giá của các hướng dẫn viên thì rất thiết thực, bổ ích. Với lượng khách đến thăm quan, chiêm bái tại Chùa Bái Đính như hiện nay, mỗi hướng dẫn viên được phân công, điều động thực hiện khoảng hơn 10 buổi hướng dẫn. Mức lương cho tần suất làm việc này trung bình đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, cơ bản đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Hiện nay, toàn xã Gia Sinh có trên 600 lao động đang mưu sinh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Trong đó, chủ yếu là các công việc như: hướng dẫn viên du lịch, chụp ảnh, bảo vệ, vệ sinh môi trường, bán hàng, lái xe điện… Để trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhân lực làm du lịch, nhất là những công việc trực tiếp phục vụ, giao tiếp với khách du lịch như hướng dẫn viên, phục vụ nhà hàng, homestay, thợ ảnh… địa phương đã tranh thủ tối đa sự hỗ trợ để tổ chức các buổi bồi dưỡng, tập huấn cho lao động. Nhờ đó, người lao động trong lĩnh vực du lịch của Gia Sinh ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn mới, huyện Gia Viễn phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương đến năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được huyện đặc biệt chú trọng, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Theo đó, huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ du lịch. Đồng thời, thành lập, ra mắt Chi hội du lịch huyện Gia Viễn nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tập trung nguồn nhân lực của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện.

Địa phương cũng chú trọng hình thành đội ngũ quản lý, phục vụ, thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch người địa phương, các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, homestay, các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch trên địa bàn huyện. Tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho những người làm du lịch; quan tâm và có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch như: thuyết minh viên tại các điểm du lịch, hướng dẫn viên trên các tuyến du lịch, hỗ trợ kinh phí nâng cao kiến thức làm du lịch cho người dân...

Đào Hằng- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-nang-chat-nguon-nhan-luc-nganh-du-lich/d20230214143845152.htm