Giá xăng dầu 2023: Chuyên gia dự báo gì?
Chuyên gia kinh tế cho rằng sau một năm giá xăng dầu 'tăng nóng giảm sâu', cơ quan điều hành nên có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững cho năm 2023.
Nhiều chuyên gia khi được hỏi đều đưa ra dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu trong nước, bởi thị trường dầu thô thế giới biến động khó lường, nguồn cung không dồi dào, giá có thể tăng cao.
Nhiều biến động
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi đó, ngành năng lượng thế giới đang có nhiều biến động do chịu tác động từ nhiều yếu tố như các lệnh cấm vận và chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga, nguồn cung dầu thiếu hụt, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, xung đột Nga - Ukraine...
"Giá dầu thế giới tăng cao sẽ tác động bất lợi tới thị trường trong nước. Nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế, tránh lặp lại hiện tượng đứt gãy nguồn cung như năm 2022", ông Long nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA), cho biết xu hướng nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng trong tháng 1/2023, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng tạm thời để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC. Báo cáo cho thấy sự cố này khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 của Nghi Sơn bị giảm khoảng 20 - 25% so với kế hoạch.
Thêm đó, vào các tháng từ 6 - 8/2023, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Bình Sơn) sẽ tổ chức đại tu lần thứ 5, thời gian sẽ mất gần 2 tháng, điều này sẽ khiến sản lượng xăng dầu trong nước sụt giảm, phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Dự báo giá dầu thế giới năm 2023, chuyên gia của Chứng khoán VnDirect cho rằng mặc dù bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng do USD mạnh hơn, chính sách chống COVID-19 của Trung Quốc và khủng hoảng Nga – Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu thô, nhưng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay. Theo VnDirect, động lực đến từ lệnh cấm vận của EU sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm trong 2023 và OPEC+ phát đi tín hiệu rằng nhóm sẽ luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu.
"Chúng tôi kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong 2023", báo cáo VnDirec nêu.
Dù cho việc dự đoán giá dầu năm 2023 không dễ do có quá nhiều yếu tố chi phối nhưng đa số chuyên gia kinh tế cho rằng điểm chung là thị trường xăng dầu sẽ diễn biến khó lường. Nhà điều hành cần có kịch bản khác nhau để ứng phó. Bởi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, vì đây là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng theo, áp lực rất lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp, sức mua của thị trường, đời sống người dân.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, năm 2023 tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới chậm lại do tăng trưởng kinh tế không đạt dự báo đề ra, nguồn cung có thể bị gián đoạn. Đáng chú ý, do Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang bất kỳ quốc gia nào, thêm vào đó các nước OPEC đảm bảo thu nhập của họ thông qua giữ giá, tăng giá nên quyết định cắt giảm sản lượng.
Động thái này dẫn tới sản lượng dầu toàn cầu không như dự báo ban đầu tăng trưởng cao. Các giai đoạn khủng hoảng xảy ra quyết định về sản lượng, sản lượng trên thị trường thế giới có biến động, dẫn tới Việt Nam khó tìm bạn hàng, thị trường mua dầu.
"Giá dầu năm 2023 được dự báo dao động từ 90 - 95USD/thùng, đây vẫn là mức giá cao. Nếu biến động giá dầu tăng 10%, lạm phát tăng 0,36%, GDP giảm 0,5 điểm%. Do đó, Bộ Công Thương cần chủ động kịch bản để ứng phó với tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu trên thế giới", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cách nào ổn định giá xăng dầu?
Trong bối cảnh giá xăng dầu được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để ổn định giá, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng ngoài điều chỉnh chính sách thuế, phí...cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, không để tình trạng thao túng, găm hàng, trục lợi. Bên cạnh đó cần nhanh chóng xây dựng nguồn dự trữ quốc gia đủ lớn để có thể bình ổn thị trường khi gặp biến động mạnh.
"Việc dự trữ xăng dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng doanh nghiệp. Nếu không có dự trữ đủ lớn thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia quá mỏng", ông Long nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), gần đây thị trường xăng dầu trở lại bình thường, cung cầu đảm bảo, giá giảm vào cuối năm, giúp lưu thông hàng hóa thông suốt, góp phần kiểm soát lạm phát. Trong những thời điểm thị trường diễn ra bất ổn, khá nhiều thương nhân xuất nhập khẩu đầu mối cho biết, chỉ cần Nhà nước điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh xăng để không bị lỗ thì buôn bán bình thường ngay. Điều này cho thấy nút thắt vận hành thị trường xăng dầu chính là cơ chế điều hành và thực tiễn điều hành, nhiều thời điểm thiếu linh hoạt, nhất là sự phối hợp giữa các bộ ngành.
Ông Thỏa dự báo năm 2023 thị trường xăng dầu Việt Nam gặp khó khăn nhất định, tiềm ẩn bất ổn, rủi ro khó lường nên cần chủ động các kịch bản ứng phó trong mọi tình huống, tránh luống cuống, bị động.
Chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cũng cho rằng điểm mấu chốt trong việc ổn định thị trường xăng dầu là phải tạo được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Hiện nay gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng. Điều này khiến cho các đại lý bán lẻ kêu ca về câu chuyện chiết khấu bởi không có lựa chọn nào khác. Nguyên nhân do các đại lý, cửa hàng bán lẻ không thể chuyển từ doanh nghiệp đầu mối này sang doanh nghiệp đầu mối khác.
Từ đó, ông Ánh đề nghị cơ quan quản lý phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả khâu bán buôn, đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối.
Bên cạnh đó phải có một cơ chế giá phù hợp, gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí…một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, để ổn định thị trường xăng dầu, cơ quan điều hành phải kiểm tra lại toàn bộ nguồn cung sản xuất, nhập khẩu cung ứng cho nền kinh tế; nắm chắc số liệu từ các doanh nghiệp đầu mối, tránh báo cáo số liệu một đằng, thực tế một nẻo, từ đó cân đối để đảm bảo nguồn cung. Chú ý nguồn cung từng địa bàn, từng địa phương khác nhau...và phải có kho dữ liệu để đồng bộ quản lý, điều hành.
Thứ nữa, xem xét lại cơ chế giá cũng như cách thức quản lý xăng dầu để quản lý tốt hơn. Xem lại cách thức tổ chức thị trường xăng dầu hiện nay, từ đó đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận định mức phù hợp quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 1 tuần hoặc 5 ngày lần. Nếu rút ngắn được thời gian giữa hai kỳ điều hành, có thể bỏ quỹ bình ổn…để xăng dầu theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, cần xây dựng thị trường xăng dầu công khai minh bạch.
“Đã đến lúc Bộ Công Thương cần cân đối lại lượng cung, lượng cầu, làm sao để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bình ổn. Đồng thời cần xem xét nhiều góc độ trong vận hành cơ chế điều hành để cân đối, có thể áp dụng các biện pháp kinh tế mạnh, song cũng nên tránh những cú sốc như vừa qua khi thu hồi giấy phép của một số doanh nghiệp đầu mối, đã đưa đến hiệu ứng ngược không như mong muốn”, ông Thịnh nêu ý kiến.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-xang-dau-2023-chuyen-gia-du-bao-gi-ar736362.html