Giá xăng dầu sắp giảm mạnh?

Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4.5 sẽ giảm tới 1.000 đồng/lít.

Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Nghị định 95, việc điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng, nhưng do kỳ điều chỉnh ngày 1.5 trùng thời gian nghỉ lễ nên thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 4.5.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm mạnh trong hai tuần qua. Theo ghi nhận, giá dầu thô Brent có lúc giao dịch ở mức 75 USD/thùng, giảm 7 USD/thùng so thời điểm giá xăng trong nước điều chỉnh ở kỳ trước. Dầu WTI giao dịch ở mức 71,6 USD/thùng, giảm 8 USD/thùng.

Dữ liệu trên cho thấy hiện giá xăng nhập khẩu đang thấp hơn 1.200 đồng/lít, giá dầu nhập khẩu thấp hơn khoảng 1.000 đồng/lít giá xăng dầu trong nước. Theo đó, giá xăng dầu trong nước vào kỳ điều chỉnh chiều 4.5 sẽ giảm mạnh theo xu hướng của giá dầu thế giới.

Một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, theo đà giảm của giá thế giới, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm mạnh vào kỳ điều chỉnh ngày 4.5. Mức giảm của giá xăng dầu có thể rơi vào khoảng từ 900 - 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm chi tiết bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành và biến động giá xăng dầu thế giới sau quyết định điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Trước đó, tại kỳ điều hành 21.4, liên bộ Công Thương - Tài chính đã giảm giá bán lẻ xăng RON 95 xuống còn 23.630 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 còn 22.680 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu có loại giảm, có loại tăng. Cụ thể, dầu diesel là 19.390 đồng một lít, giảm 750 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 19.480 đồng, giảm 250 đồng, dầu mazut tăng 650 đồng, có giá mới là 15.840 đồng/kg. Tính từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 12 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, bởi hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thời điểm không ổn định, ảnh hưởng đến tính chủ động của nguồn cung xăng dầu trong nước. Về nguồn cung nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa làm tốt công tác truyền thông để nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch, không đáng có. Hơn thế nữa, hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đầu mối, cung ứng xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính để nhập hàng, cho dù hạn mức tín dụng vẫn đầy đủ, thậm chí dư thừa nhưng điều kiện cho vay rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-xang-dau-sap-giam-manh-197422.html