Giá xăng RON 95 giảm xuống mức kỷ lục, dưới 20.000 đồng/lít

Sau hai phiên liên tiếp tăng, tại kỳ điều hành giá chiều 3/10, giá xăng trong nước lần nữa giảm về mức thấp kỷ lục trong vòng 2 năm, xuống dưới 20.000 đồng/lít.

Ảnh minh họa: Quách Sơn/Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Quách Sơn/Mekong ASEAN.

Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định giảm 770 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, giá bán mới của mặt hàng này là 18.850 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 715 đồng, giá bán mới là 19.803 đồng/lít.

Như vậy, sau 2 phiên liên tiếp tăng nhẹ, giá xăng trong nước đảo chiều giảm mạnh, một lần nữa ghi nhận mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 40 phiên điều chỉnh, trong đó có 20 phiên giảm, 17 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt được điều chỉnh giảm, với dầu diesel giảm 105 đồng, giá bán mới là 17.401 đồng/lít; dầu hỏa giảm 222 đồng, giá bán mới là 17.651 đồng/lít; dầu mazut giảm 354 đồng, giá bán không cao hơn 15.003 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Xăng dầu là "bánh mì" của nền kinh tế

Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị trao đổi và thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu diễn ra vào chiều ngày 2/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xăng dầu trong nền kinh tế. Ông cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật, xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh chiến lược.

"Xăng dầu cùng với điện, khí đốt được coi là 'bánh mì' của nền kinh tế. Trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay đều quy định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những điều kiện nêu ra tại Nghị định này cần phải bảo đảm được cơ chế thị trường, đồng thời phải bảo đảm cơ chế quản lý của Nhà nước. Đây là lần thứ tư Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến và trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi để có được phương án hoàn hảo và phù hợp nhất với tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, mặc dù trong quá trình soạn thảo, Bộ đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết.

"Bộ đã tôn trọng 5 nguyên tắc cơ bản trong quá trình soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua. Những nguyên tắc này bao gồm xây dựng môi trường cạnh tranh, kế thừa và bổ sung mới những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Nghị định mới sẽ giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân; cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Quan điểm của ban soạn thảo là cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý Nhà nước tốt nhất," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-ron-95-giam-xuong-muc-ky-luc-duoi-20000-donglit-33993.html