Giấc mơ của 'kỳ lân' Keenon Robotics
Không chỉ tự hào là người tiên phong trong nước, Keenon còn được xem là công ty hàng đầu thế giới về robot phục vụ.
"Kỳ lân" Keenon Robotics có trụ sở tại Thượng Hải đang tái khởi động kế hoạch dõi theo và đáp ứng nhu cầu toàn cầu về người máy (robot) phục vụ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, đồng thời đặt mục tiêu 50% doanh số bán hàng cho khách hàng nước ngoài.
Keenon, được thành lập vào năm 2010, đã bắt đầu sản xuất hàng loạt robot phục vụ trong năm 2017. Theo công ty nghiên cứu IDC của Mỹ, kể từ đó, công ty khởi nghiệp này đã chiếm 49% thị phần robot phục vụ nhà hàng của Trung Quốc tính đến năm 2021.
Không chỉ tự hào là người tiên phong trong nước, Keenon còn được xem là công ty hàng đầu thế giới về robot phục vụ. Giám đốc điều hành (CEO) Keenon Wan Bin cho biết công ty đặt mục tiêu tăng số lượng robot phục vụ đang hoạt đông lên gấp 3-5 lần vào cuối năm 2025.
Tính đến tháng 12/2022, Keenon có khoảng 35.000 robot phục vụ trên khắp thế giới. Khoảng 10.000 robot, tương đương gần 30% đội ngũ robot của Keenon đang phục vụ tại thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á. Ông Wan bày tỏ Keenon kỳ vọng tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 50% vào cuối năm 2025.
Để gia tăng sự hiện diện trên toàn cầu, năm 2022 Keenon đã thành lập các công ty con ở Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Hà Lan, ngoài các nơi đã được mở ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) trong năm 2021.
Viện Điện tử Trung Quốc, tổ chức phi chính phủ về kỹ thuật và học thuật có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng tiềm năng tăng trưởng của việc mở rộng ra thị trường nước ngoài là rất lớn.
Thị trường toàn cầu dành cho robot dịch vụ, bao gồm cả robot bán lẻ, y học và giáo dục, dự kiến sẽ tăng 15% so với năm 2022. Trong khi đó, thị trường robot dịch vụ của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khoảng 28%, song thị trường Trung Quốc sẽ chỉ chiếm khoảng 30% tổng số toàn cầu.
Keenon và các nhà sản xuất robot phục vụ khác đã buộc phải tạm dừng các kế hoạch mở rộng quy mô do các quy định yêu cầu ở trong nhà và các hạn chế liên quan đến chính sách zero COVID-19.
Ông Wan cho hay các thị trường nước ngoài, những nơi đầu tiên nới lỏng kiểm soát biên giới, đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng, trong khi tại Trung Quốc suy yếu do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Theo Cục Thống kê Quốc gia, trong năm 2022, sản xuất robot dịch vụ của Trung Quốc đã giảm 30%.
Trong tháng 1/2023, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách zero COVID-19 và số ca mắc bệnh đã qua mức đỉnh điểm. Ông Wan bày tỏ trong tương lai, Keenon có thể đồng thời theo đuổi các chiến lược tăng trưởng trong nước và quốc tế.
Song Xiaogang, giám đốc điều hành kiêm tổng thư ký của liên minh thương mại China Robot Industry Alliance, cho biết nhu cầu về robot sẽ tăng lên do già hóa dân số và thiếu lao động.
Keenon đang mở rộng dòng sản phẩm của mình. Công ty này chuẩn bị giới thiệu một dòng robot mới dẫn khách dành cho các khách sạn.
Robot này có khả năng dò tìm thang máy để phát hiện có người bên trong hay không và sẽ đợi thang máy tiếp theo nếu bên trong quá đông. Các robot này có giá từ 10.000 USD/chiếc đến 30.000 USD/chiếc, một mức giá hợp lý so với các robot tự động tương tự từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
CEO Wan cho biết Keenon có ưu thế hơn là nhờ có chuỗi cung ứng sản xuất phát triển ở Trung Quốc và công ty có thể mua các bộ phận với chi phí thấp, đồng thời Keenon có thể giảm chi phí sản xuất thông qua sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, Keenon cũng đang phải đối mặt với các đối thủ trong và ngoài nước. Đáng chú ý là Pudu Technology, nhà sản xuất robot phục vụ lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm 2021.
Người phát ngôn của Pudu cho biết công ty đã cung cấp tổng cộng hơn 56.000 robot trên toàn thế giới, điều này sẽ giúp công ty vượt trên Keenon. Tại Nhật Bản, Pudu đã bàn giao 3.000 robot cho khoảng 2.100 nhà hàng do Skylark Holdings điều hành từ năm 2021 đến 2022.
Hiroya Nakano, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn QBIT Robotics có trụ sở tại Tokyo, cho biết robot của Pudu rất hấp dẫn "bởi chúng được thiết kế giống như mèo thật và chúng có thể thực hiện các tương tác đơn giản".
Công ty khởi nghiệp Bear Robotics có trụ sở tại California đã phát triển robot Servi. Tại Nhật Bản, Bear Robotics đã hợp tác với SoftBank Robotics để cung cấp các mẫu robot Servi cho chuỗi nhà hàng thịt nướng Gyu-Kaku và Yakiniku King. Những robot phục vụ ở Nhật Bản chủ yếu đến từ Trung Quốc bởi các nhà sản xuất robot tại Nhật Bản rất ít.
Thách thức chính mà Keenon phải đối mặt là liệu công ty có thể duy trì nguồn tài chính ổn định khi mở rộng ra toàn cầu và thực hiện các nâng cấp trong quá trình phát triển sản phẩm hay không.
Cho đến nay, doanh số bán hàng của Keenon vẫn đang tăng đều đặn, cùng với dòng tiền từ việc bảo dưỡng và cho thuê. Với những yếu tố đó, Keenon đang duy trì được tình hình tài chính khỏe mạnh ở một mức độ nhất định, mặc dù công ty chưa công khai thu nhập.
Trong năm 2021, Keenon đã huy động được 200 triệu USD từ Tập đoàn SoftBank và các nhà đầu tư khác, đồng thời được định giá khoảng 1 tỷ USD. Công ty này đang sở hửu lực lượng lao động khoảng 1.000 người. Đội ngũ này vẫn được giữ nguyên kể từ tháng 4/2021 mà không có đợt sa thải lớn nào./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giac-mo-cua-ky-lan-keenon-robotics/281304.html