Giấc mơ thay thế Huawei của Mỹ còn rất xa vời

Thị trường 5G của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ khiến các ông lớn như Nokia, Ericsson đang từ bỏ nỗ lực phát triển phần mềm do Mỹ dẫn đầu.

18 tháng trước, chính quyền Trump từ bỏ kế hoạch phát triển một gã khổng lồ ở Mỹ thay thế vị trí thống trị của Huawei nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc lên cơ sở hạ tầng 5G.

Thay vào đó, họ hướng về O-RAN - Mạng truy cập vô tuyến mở. RAN là một phần của hệ thống viễn thông kết nối các thiết bị với các bộ phận khác của mạng thông qua kết nối vô tuyến không dây. Với O-RAN, cơ sở hạ tầng 5G có thể không còn bị phụ thuộc vào nhu cầu về phần cứng độc quyền đắt tiền.

Từ đó, Mỹ hy vọng O-RAN có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho một số thiết bị do Huawei sản xuất.

Cố vấn kinh tế của Trump, Larry Kudlow dẫn lời tỷ phú công nghệ Michael Dell khẳng định "phần mềm sẽ ăn đứt phần cứng".

Nhưng thực tế lại khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Trung Quốc là thị trường béo bở với Nokia, Ericsson. (Ảnh: Asia Times)

Trung Quốc là thị trường béo bở với Nokia, Ericsson. (Ảnh: Asia Times)

Tới cuối năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng gần trạm gốc 5G, chiếm 70% trạm gốc 5G của toàn thế giới, so với chỉ 50.000 ở Mỹ.

Bắc Kinh dự kiến xây dựng thêm 1 triệu trạm trong năm 2021, cung cấp dịch vụ 5G cho tất cả các thành phố có dân số 250.000 người trở lên.

Huawei hiện nắm 3/5 thị trường cơ sở hạ tầng 5G của Trung Quốc và chiếm thị phần đáng kể ở một số quốc gia.

Trong khi đó, O-RAN vẫn chưa vượt qua các thử nghiệm ban đầu.

Gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển Ericsson, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Huawei nói không với O-RAN vì cho rằng đây là một dự án không khả thi.

Nhưng nhà cung cấp thiết bị viễn thông thứ 3 của thế giới - Nokia lại lên tiếng ủng hộ phương pháp tiếp cận phần mềm.

Nhưng tuần trước, Nokia bất ngờ tuyên bố rút khỏi Liên minh O-RAN, đáp trả quyết định của Mỹ về việc đưa một số đối tác Trung Quốc của Nokia vào danh sách trừng phạt vì bị coi là mối đe dọa với lợi ích quốc gia và an ninh của Washington.

Nokia lo ngại việc tiếp tục hợp tác với O-RAN có thể sẽ khiến hãng này phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vì các giao dịch kinh doanh với các công ty Trung Quốc.

3 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ bao gồm Inspur, Kindroid và Phytium là những công ty tương đối nhỏ trong thị trường truyền thông toàn cầu. Phytium sản xuất chip, Inspur sản xuất máy chủ máy tính cùng các sản phẩm liên quan trong khi Kindroid là công ty con của Kyland Technologies, nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch Ethernet.

Các chuyên gia cho rằng khó có chuyện Nokia không thể tìm thấy các công nghệ mà Inspur, Kindroid và Phytium cung cấp từ những nơi khác.

Có chăng, Nokia đang đặt lợi ích với Trung Quốc lên hàng đầu và họ không muốn làm mất lòng Bắc Kinh.

Hồi tháng 6, Nokia vừa thông báo ký một thỏa thuận mới với China Unicom, theo đó công ty Phần Lan sẽ cung cấp 10% mạng lõi 5G cho nhà cung cấp băng thông rộng di động lớn thứ hai của Trung Quốc.

Với Ericsson, hãng này chiếm vị trí thứ 3 trong lĩnh vưc kinh doanh cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tính tới đầu năm 2021.

Nhưng quyết định của Stockholm, cấm cửa Huawei tham gia thị trường 5G khiêm tốn của Thụy Điển đã khiến Bắc Kinh nóng mắt.

Ericsson từng thừa nhận họ có thể mất thị phần của Trung Quốc trước lệnh cấm này.

Thực tế cho thấy thị trường viễn thông 5G của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với Mỹ. Đó là lý do các công ty quốc tế lớn như Ericsson, Nokia sẵn sàng bỏ qua O-RAN và nỗ lực của Mỹ để giành lấy miếng bánh béo bở ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nhiều người chỉ trích O-RAN, cho rằng nếu phương án thay thế cho Huawei này tốn kém và không hiệu quả.

Bản thân O-RAN là một dự án kéo dài nhiều năm, đòi hỏi sự hợp tác của các ngành và chính phủ. Công nghệ của O-RAN cũng phức tạp và đòi hỏi mức độ tin cậy cực cao nên cần thử nghiệm rộng rãi với khoản chi phí đắt đỏ.

Liên minh O-RAN cho biết chính phủ Mỹ có thể trích 1 tỷ USD ngân sách liên bang vào dự án. Nhưng kể cả khi số tiền này được giải ngân, nó chỉ là bước khởi đầu của một dự án phát triển tốn kém. Một chuyên gia ước tính cần ít nhất 5 năm trước khi sản phẩm của O-RAN có thể đáp ứng các tiêu chuẩn mới để tiếp cận thị trường.

“Việc viết phần mềm sẽ mất nhiều năm và sẽ mất ít nhất 2 năm thử nghiệm. Các vấn đề bảo mật sẽ là một cơn ác mộng. Có rất nhiều lỗ hổng trong một hệ thống đòi hỏi hàng triệu dòng mã", một giám đốc điều hành ngành viễn thông Trung Quốc cho hay.

Hầu hết các doanh nghiệp hiện tại đều không hứng thú với một dự án phức tạp, tốn kém và tốn thời gian. Đối với họ, sự đơn giản, hợp túi tiền là ưu tiên hàng đầu.

Đó là bài toán khó với O-RAN bởi lợi ích kinh tế lớn nhất từ 5G sẽ đến từ các ứng dụng doanh nghiệp, bao gồm robot công nghiệp, hậu cần “thông minh”, kho và cảng tự động, điều khiển từ xa...

Vào tháng 6, Giám đốc Công nghệ của Huawei Paul Scanlan cho biết hãng này đã xây dựng mạng lưới doanh nghiệp cho 2.000 công ty sản xuất.

Gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc cũng xây dựng 5,300 mạng lưới cho các công ty khai thác. Rất khó để biết số lượng các mạng 5G tư nhân ở Mỹ, nhưng con số này có thể là vài trăm, theo các nguồn tin trong ngành.

Song Hy (Nguồn: Asia Times)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/giac-mo-thay-the-huawei-cua-my-con-rat-xa-voi-ar635227.html