Giải bài toán cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sáp nhập

Giải quyết những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thực sự là bài toán khó, là sự trăn trở của các cấp ủy, người đứng đầu ở mỗi địa phương.

Kỳ I: Khi chính sách phù hợp, địa phương quyết liệt

Cán bộ Phòng Nội vụ huyện Tam Nông thường xuyên rà soát hồ sơ, đảm bảo công tác tham mưu sắp xếp, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập.

Cán bộ Phòng Nội vụ huyện Tam Nông thường xuyên rà soát hồ sơ, đảm bảo công tác tham mưu sắp xếp, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập.

(baophutho.vn)

- Giải quyết những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thực sự là bài toán khó, là sự trăn trở của các cấp ủy, người đứng đầu ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, để gỡ khó vấn đề này, các địa phương sáp nhập đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách cụ thể, có phương án sắp xếp linh hoạt, khách quan, thận trọng nhân văn, vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc và Đề án đã được phê duyệt nên tạo sự thống nhất cao trong xã hội.
Từ quyết sách đúng...
Thực hiện Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Phú Thọ sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 huyện để thành lập mới 28 đơn vị sau khi sắp xếp. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 225 đơn vị, giảm 52 đơn vị hành chính cấp xã so với trước khi sắp xếp. Tổng số cán bộ, công chức thuộc các đơn vị hành chính khi sắp xếp là 1.502 người. Khi thực hiện chủ trương sáp nhập các xã, số cán bộ, công chức dôi dư so với biên chế quy định là 912 người, trong đó cán bộ 370 người, công chức 542 người. Có thể thấy, số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập các xã trên địa bàn tỉnh rất lớn, đòi hỏi các địa phương phải có phương án bố trí, sắp xếp lộ trình phù hợp.

Hạ Hòa là địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất tỉnh. Huyện đã thực hiện sáp nhập 19 xã để thành lập 6 xã mới. Trước khi sáp nhập 19 xã có tổng số 345 cán bộ, công chức. Ông Nguyễn Anh Quốc - Trưởng phòng Nội vụ huyện thông tin: Cũng giống như địa phương khác, ngoài số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, việc bố trí công an chính quy về xã đã làm tăng thêm số lượng dôi dư. Mặt khác, phần lớn đội ngũ tuổi đời còn trẻ, số đến tuổi nghỉ hưu không nhiều. Đây là những trở ngại lớn cho việc sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ, công chức sau sáp nhập. Do đó, huyện phải tính toán bố trí, sắp xếp, giải quyết đội ngũ dôi dư sao cho phù hợp.
Chúng tôi về Yên Kỳ - địa phương được sáp nhập thêm hai xã Chính Công, Cáo Điền để tìm hiểu thực tế và được biết, sau sáp nhập, xã có 19 cán bộ, công chức đã điều chuyển, biệt phái, về hưu trước tuổi, số lượng cán bộ, công chức hiện đang làm việc tại xã là 29 người. Đồng chí Trần Văn Tường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Liên quan đến quy trình sắp xếp, bố trí cán bộ, Yên Kỳ có khá nhiều thuận lợi khi kiện toàn các vị trí chức danh. Một số trường hợp lãnh đạo xã vẫn đủ tuổi để tái cử nhiệm kỳ mới, tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, các đồng chí đã quyết định về hưu trước tuổi trong tâm thế tự nguyện, nêu gương, với suy nghĩ tạo cơ hội cho lớp cán bộ trẻ phát triển. Từ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng cùng sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức, Hạ Hòa nhanh chóng thực hiện giải quyết chế độ cho 84 cán bộ, công chức nghỉ trước tuổi theo quy định của Trung ương và tỉnh. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư của toàn huyện còn 136 người, huyện đang tiếp tục tiến hành rà soát, sắp xếp để giải quyết theo lộ trình.Cũng như Hạ Hòa, theo phương án sáp nhập, huyện Tam Nông phải thực hiện sắp xếp 12 xã để thành lập 4 xã mới. Sau sáp nhập, số cán bộ, công chức đã giảm được 56 người. Hiện nay, so với quy định, số cán bộ, công chức còn dôi dư là 92 người. Ông Nguyễn Như Hải - Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Số lượng dôi dư sau sắp xếp còn lớn, công tác bố trí cán bộ công chức phải theo quy định, việc xử lý, giải quyết chế độ chính sách liên quan đến số cán bộ dôi dư phải hợp tình, hợp lý, do vậy huyện đang triển khai phương án một cách thận trọng khách quan, phù hợp với quy định của Nhà nước và quyền lợi của mỗi người.Đối với Phú Thọ, việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ dôi dư không chỉ đối với các xã sáp nhập mà ngay cả các xã khác đều phải trải qua một quy trình chặt chẽ, dân chủ và minh bạch. Các địa phương đã đưa ra phương án giải quyết, bố trí, sắp xếp chi tiết đối với từng xã, từng trường hợp như cho nghỉ việc theo chế độ, nghỉ theo hình thức tự nguyện; điều chuyển cán bộ, công chức nếu đủ điều kiện chuyển thành công chức cấp huyện, cấp xã… Mọi phương án đều đảm bảo tính khách quan, công tâm, đồng thời cũng phản ánh rõ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu.

Sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy của xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy của xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

...đến chính sách hài hòa, đảm bảo lợi ích Qua quá trình triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập cho thấy, khó khăn lớn nhất của việc sáp nhập các xã chính là bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập vì ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức vào các vị trí phù hợp ở đơn vị hành chính mới thì cũng cần thực hiện tốt tinh giản biên chế đối với số cán bộ, công chức dôi dư.Căn cứ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, chính quyền các địa phương đã chủ động xây dựng các phương án sắp xếp đơn vị hành chính và thống nhất với cấp ủy, chính quyền cấp xã chọn ra phương án phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở phương án đã được thống nhất từ cơ sở, ban thường vụ cấp huyện đã ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch sắp xếp, sáp nhập để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng yêu cầu tiến độ theo quy định. Đồng thời, để thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, trước khi thực hiện sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm, tuyển dụng các chức danh lãnh đạo, quản lý các công chức, hợp đồng. Do đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập xã khá thuận lợi.Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông trao đổi với chúng tôi: Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã với số đơn vị thực hiện sáp nhập lớn, số cán bộ, công chức dôi dư nhiều nên ngay khi có chủ trương, huyện đã chỉ đạo các địa phương trong diện sáp nhập khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện trên cơ sở thực trạng về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, xây dựng lộ trình cụ thể từng năm và cả giai đoạn.Để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, về việc giảm số lượng người làm việc… bởi lẽ công tác nhân sự nếu làm không khéo dễ gây tâm lý, còn nếu nể nang thì dễ là phép tính cơ học, giảm chỗ nọ, tăng chỗ kia, không đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.Nhằm khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức cấp xã, tỉnh đã ban hành các quy định, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính theo thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo đó, cán bộ, công chức dôi dư nghỉ công tác không chỉ được hưởng chế độ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ mà còn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 14/11/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.Nhìn chung, việc bố trí công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập là vấn đề khó, nhất là đối với những trường hợp dôi dư mà không bố trí được công tác phù hợp, tuy nhiên, không thể vì khó mà để dây dưa, kéo dài. Thực tế cho thấy, với sự kết hợp hài hòa các giải pháp, đảm bảo lợi ích các bên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiện thực hóa chủ trương của Trung ương, của tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống.Quan điểm nhất quán trong triển khai thực hiện là việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư theo chủ trương của tỉnh phải bảo đảm đúng theo Đề án đã được phê duyệt, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức trong diện tinh giản. Nếu việc này thực hiện được sớm thì không những gánh nặng ngân sách phải chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư giảm mà còn xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kỳ II: Thành công từ hòa hợp ý Đảng lòng dân

Phương Thảo - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/202106/giai-bai-toan-can-bo-cong-chuc-cap-xa-doi-du-sau-sap-nhap-177591