Giải 'bài toán' đưa CNTT đến gần hơn với học sinh vùng khó

'Thầy giỏi sẽ có trò giỏi', chính vì vậy, cần đặt công tác đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng CNTT cho đội ngũ quản lý và giáo viên làm 'kim chỉ nam'.

Công nghệ thông tin đang được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống, nhất là giáo dục. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra trong năm học 2024-2025.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, việc để học sinh tiếp cận gần hơn với máy vi tính hay các thiết bị công nghệ phục vụ trong học tập khác vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để những bài giảng không còn nhàm chán

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những lợi ích của việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy và học, thầy Phan Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cho rằng, học sinh cần có kỹ năng sử dụng công nghệ để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa cùng sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

“Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp giáo viên sử dụng các phương pháp tiên tiến hơn như dạy trực tuyến, tài liệu điện tử, phần mềm hỗ trợ học tập hay ứng dụng thực tế ảo (AR, VR) trong giảng dạy. Điều này làm tăng tính tương tác, sinh động và hấp dẫn của bài giảng, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức và phát triển tư duy.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, thầy cô có thể theo dõi quá trình học tập của từng học sinh một cách cụ thể, từ đó, điều chỉnh bài giảng hay phương pháp dạy phù hợp với khả năng của mỗi em. Điều này giúp phát huy tiềm năng cá nhân và khắc phục điểm yếu nhanh chóng”, thầy Quỳnh chia sẻ.

 Thầy Phan Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Thầy Phan Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, vị Hiệu trưởng cũng phân tích, đối với học sinh, nếu được tiếp cận sớm với công nghệ thông tin, các em sẽ có hành trang vững chắc để chuẩn bị cho tương lai: “Công nghệ mở ra cơ hội học tập liên tục, không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Học sinh có thể truy cập vào kho tài nguyên, tham gia các khóa học từ xa hoặc thậm chí tự học thông qua các nền tảng giáo dục trực tuyến.

Trong tương lai, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và khoa học dữ liệu sẽ ngày càng phát triển. Việc tiếp cận sớm với công nghệ giúp học sinh có nền tảng vững chắc, dễ dàng thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động và xu thế phát triển xã hội”.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục không chỉ tăng cường hiệu quả của quá trình học tập, mà còn mở ra một loạt cơ hội mới cho sự sáng tạo trong dạy và học.

“Nếu áp dụng công nghệ, thầy cô và học sinh sẽ dễ dàng tương tác được hai chiều, cùng tham gia vào quá trình tìm hiểu về kiến thức, để bài giảng trở nên sinh động và có hứng thú hơn. Bên cạnh đó, các em đi sâu vào bản chất của bài giảng, giúp nhanh tiếp thu, chất lượng giảng dạy cũng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nền giáo dục tại Việt Nam cũng đang chuyển mình theo thời kỳ công nghệ số 4.0. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học sẽ giúp cả người dạy lẫn người học dễ dàng thích ứng nhanh với những biến động mới của xã hội trong tương lai”, thầy Chùy nói.

 Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Thiếu hạ tầng, nguồn lực vẫn là những “rào cản” chính

Chia sẻ về thực trạng khó khăn địa phương đang gặp phải khi từng bước đưa học sinh tiếp cận gần hơn với công nghệ thông tin, thầy Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết, hạn chế lớn nhất các trường học vùng cao đang gặp phải là thiếu thiết bị, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo.

“Đường truyền Internet ở các điểm trường lẻ, khu dân cư thôn bản có tốc độ chậm, chủ yếu sử dụng mạng 4G nên thường không ổn định, gây khó khăn cho việc truy cập tài liệu học tập trực tuyến. Ngoài ra, học sinh và thậm chí cả giáo viên ở các vùng này thường thiếu kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, làm giảm hiệu quả học tập.

Về phía học sinh, nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để trả phí Internet hoặc mua sắm thiết bị máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh để các em học tập. Dù các chương trình hỗ trợ sóng hay máy tính cho học sinh đã phần nào giúp đỡ những em thuộc hộ nghèo, tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh không thuộc hộ nghèo nhưng chưa có thiết bị, dẫn tới việc giao bài trực tuyến gặp nhiều khó khăn”, thầy Đạt chia sẻ.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cũng chỉ ra, 3 nguyên nhân chính khiến việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học gặp khó khăn là do điều kiện kinh tế; chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh và thiếu nguồn lực giáo dục về công nghệ tại địa phương.

“Tại các vùng nông thôn, miền núi, thường có điều kiện kinh tế kém phát triển, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào giáo dục tin học hay công nghệ thông tin. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc triển khai còn gặp nhiều hạn chế, chưa đến được với tất cả học sinh cần giúp đỡ. Ngoài ra, các trường học ở vùng khó khăn thường thiếu giáo viên có kỹ năng tin học và sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại” - thầy Đạt cho biết.

 Thầy Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Ảnh: NVCC.

Thầy Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Ảnh: NVCC.

Đồng tình với những phân tích trên, thầy Phan Như Quỳnh cũng thừa nhận, 3 khó khăn chính mà các trường phổ thông ở vùng khó đang phải đối mặt, chính là hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực tài chính và khả năng sử dụng công nghệ còn hạn chế.

Cụ thể: “Học sinh ở vùng khó khăn thường thiếu các thiết bị như máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Đối với nhiều gia đình, việc mua các thiết bị này phục vụ quá trình học tập của con em là gánh nặng tài chính lớn.

Thứ hai, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thường có hạ tầng mạng yếu, tốc độ truy cập Internet chậm hoặc không ổn định. Một số nơi chưa có điện lưới quốc gia, nhiều điểm trường chưa được phủ sóng điện thoại, wifi. Thêm vào đó, hệ thống máy chiếu hay máy vi tính chưa đảm bảo về số lượng nên việc bố trí tiết dạy có sử dụng công nghệ thông tin còn bị hạn chế.

Thứ ba, nhiều trường học ở vùng khó khăn không có đủ ngân sách để đầu tư vào hạ tầng trang thiết bị học tập hiện đại hoặc triển khai các giải pháp công nghệ mới. Để đào tạo cho giáo viên lẫn học sinh cách sử dụng các thiết bị công nghệ hay phần mềm hỗ trợ học tập cũng là vấn đề cần cả một quá trình. Bởi, nhiều thầy cô mới chỉ biết đến những kỹ năng tin học ở mức cơ bản”.

Thầy Quỳnh cũng cho biết thêm, hiện tại, Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương đang tích cực triển khai các giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy học.

“Nhà trường luôn cố gắng đầu tư vào các thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu hay bảng tương tác và cải thiện hệ thống mạng để đảm bảo mọi nơi trong trường đều có thể kết nối Internet mạnh, ổn định. Đối với dạy và học, áp dụng các phần mềm như Quizizz, Kahoot hay Nearpod giúp làm phong phú và sinh động thêm bài giảng, tạo ra môi trường học tập tương tác.

Để cải thiện năng lực của thầy cô, nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ cùng phương pháp giảng dạy trực tuyến cho giáo viên.

Ngoài ra, chúng tôi luôn hỗ trợ và khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy hàng ngày, từ việc chuẩn bị bài giảng số đến sử dụng các công cụ giảng dạy tương tác hay quản lý kết quả học tập qua phần mềm”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Cần tăng cường truyền thông, đào tạo đội ngũ, hợp tác với doanh nghiệp về công nghệ

Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở các vùng sâu, vùng xa, thầy Phan Như Quỳnh cho rằng, nên xây dựng phát triển nội dung học tập số hóa, tạo ra các nền tảng học tập trực tuyến thân thiện.

“Các địa phương phải tạo ra kho tài liệu học tập số hóa phong phú, dễ hiểu và phù hợp với trình độ cùng điều kiện của học sinh vùng khó khăn. Các tài liệu này cần được thiết kế đơn giản, dễ tải ngay cả với kết nối Internet yếu. Những nền tảng cũng nên có giao diện thân thiện, hỗ trợ đa ngôn ngữ và truy cập được trên các thiết bị di động.

Việc tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên phải được chú trọng hàng đầu. Cần triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu, tập trung vào việc hướng dẫn thầy cô cách sử dụng thiết bị công nghệ và phần mềm giảng dạy. Linh hoạt về thời gian, được hỗ trợ từ xa sẽ là cách tốt nhất để giáo viên ở các vùng khó tiếp cận dễ dàng.

Chính quyền địa phương cùng các trường học nên tìm kiếm sự hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ để được tài trợ, cung cấp thiết bị, phần mềm và hỗ trợ kỹ thuật. Các doanh nghiệp có thể tổ chức chương trình tặng máy tính, tài trợ thiết bị hoặc cung cấp các khóa học công nghệ miễn phí cho học sinh cùng giáo viên” - thầy Quỳnh đề cập.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương cũng nhấn mạnh, không nên xem nhẹ tầm quan trọng của công nghệ dù ở vùng khó khăn hay hay thành phố: “Phải tăng cường truyền thông cho phụ huynh, học sinh và giáo viên về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong học tập, để họ thấy được giá trị của việc tiếp cận công nghệ.

Các câu lạc bộ về tin học trong trường học, nếu được đẩy mạnh triển khai, sẽ giúp học sinh có cơ hội tiếp cận và thực hành với các công cụ hỗ trợ học tập tiên tiến dưới sự hướng dẫn của giáo viên hoặc các tình nguyện viên. Đây là cách để xây dựng sự hứng thú của học sinh với công nghệ thông tin ngay từ sớm”.

 Theo thầy Quỳnh, không nên xem nhẹ tầm quan trọng của công nghệ dù ở vùng khó khăn hay hay thành phố. Ảnh minh họa: M.T.

Theo thầy Quỳnh, không nên xem nhẹ tầm quan trọng của công nghệ dù ở vùng khó khăn hay hay thành phố. Ảnh minh họa: M.T.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé nêu quan điểm: “Thầy giỏi sẽ có trò giỏi, chính vì vậy, cần đặt công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý và giáo viên làm “kim chỉ nam”.

Nên đẩy mạnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường, chú trọng đến việc ổn định cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của đơn vị. Khuyến khích cán bộ, giáo viên các nhà trường trong việc tự học, tự nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn cùng kỹ năng ứng dụng trong công việc.

Về phía đội ngũ giáo viên, phải chủ động tiếp cận, làm quen với các nội dung chuyển đổi số và ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cần nắm bắt cơ hội khi được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo về công nghệ thông tin để nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ.

Chỉ khi thầy cô làm được những điều này, việc giúp học sinh của mình tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới đạt hiệu quả”.

Lệ Nguyễn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giai-bai-toan-dua-cntt-den-gan-hon-voi-hoc-sinh-vung-kho-post246209.gd