Giải cứu nông sản

Mấy ngày nay, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều điểm giải cứu nông sản Hải Dương do các cá nhân, nhóm thiện nguyện đứng ra thiết lập với mong muốn giúp người dân vượt qua khó khăn.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Rất nhiều người dân Thủ đô đã kiên nhẫn xếp hàng đợi mua nông sản Hải Dương, nơi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ rau, củ, quả của nông dân bị ách tắc gần như hoàn toàn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh này, tổng lượng nông sản chưa tiêu thụ được là hơn 90.000 tấn, riêng về rau còn hơn 4.000ha đang đến kỳ thu hoạch (gồm 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá).

Sau Hải Dương, đến lượt nông sản Hải Phòng - không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch, hàng loạt bếp ăn tập thể trong các nhà máy, trường học, nhà hàng tạm ngừng hoạt động… - cũng được ứng cứu. Trong ngày đầu kêu gọi, Huyện đoàn Vĩnh Bảo đã hỗ trợ người dân tiêu thụ 12.000 chiếc bắp cải tới các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tham gia giải cứu nông sản là nghĩa cử đẹp, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn của người Việt từ bao đời nay. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình huống và số nông sản tiêu thụ được theo cách này cũng không thấm vào đâu so với sản lượng thu hoạch của bà con nông dân. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thực tế vừa qua, hoạt động thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển rau quả do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra vào Hải Dương. Nhiều xe sau khi phải nằm chờ rất lâu vẫn buộc phải quay đầu..., ảnh hưởng đến hạn giao hàng xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Do vậy, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các tỉnh có dịch xét nghiệm cho đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Bên cạnh đó, việc UBND thành phố Hải Phòng từng ra thông báo dừng tiếp nhận hàng hóa từ vùng dịch Hải Dương cho thấy có tâm lý lo sợ đây chính là nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, ngành y tế cũng cần sớm có thông báo xem hàng hóa từ vùng dịch có phải là nguồn lây bệnh không, nếu có thì quy trình xử lý như thế nào để bảo đảm hàng hóa đó an toàn.

Xa hơn chút nữa, bởi không ai biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt, ngành y tế và nông nghiệp nên phối hợp ban hành quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những vấn đề căn cơ này cần giải quyết sớm, nếu không những cuộc giải cứu nông sản sẽ còn tiếp diễn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/giai-cuu-nong-san-kFExWDyMg.html