Giải cứu nông sản rớt giá vì nCoV

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV (Corona) gây ra đang hoành hành ở Trung Quốc - một trong những thị trường xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam, nên việc tiêu thụ nông sản tại thị trường này giảm sút nghiêm trọng, khiến giá mặt hàng này rớt mạnh.

 Mua bán dưa hấu trên đường Khương Trung. Ảnh: Duy Anh

Mua bán dưa hấu trên đường Khương Trung. Ảnh: Duy Anh

Nông sản, trái cây rớt giá

Vài ngày qua, người dân Thủ đô ngạc nhiên khi thấy vỉa hè đường Giải Phóng trở thành chợ bày bán dưa hấu Hắc Mỹ Nhân với giá chỉ 8.000 đồng/kg trong khi tại các cửa hàng, chợ truyền thống loại dưa hấu này đang bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Theo lời người bán, dưa hấu này được thu mua ở miền Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc song do dịch viêm phổi do virus Corona lan rộng nên Trung Quốc dừng nhập vì vậy chủ hàng quyết định đổ dưa ở vỉa hè bán nhằm thu hồi vốn.

Đề nghị Bộ NN&PTNT cần có những giải pháp tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp trình Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ tương tự giúp đỡ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bộ GTVT, Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí, nhất là phí đường bộ, xem xét giảm phí lưu thông đối với nông sản XK hiện nay. Khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi dịch bệnh nhiều khả năng kéo dài. Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa biên giới ngừng nhập khẩu đến hết ngày 9/2 dẫn đến nông sản Việt giảm giá do thừa ế. Cụ thể, dưa hấu, chôm chôm của tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre đang từ 16.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn 9.000 đồng; Giá thanh long ruột trắng, đỏ ở Long An, Bình Thuận từ 35.000 - 45.000 đồng/kg giảm xuống còn 5.000 - 7000 đồng/kg. Giá bí và khoai lang ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đang lao dốc từ 5.000 - 6.000 đồng/kg xuống còn 2.500 đồng/kg. Với mặt hàng khoai lang, nếu cuối năm có giá 8.000 đồng/kg, thì nay thương lái mua với giá chỉ bằng 1/2. “Với mức giá này, nhà vườn đối mặt với cảnh thua lỗ nặng, hoặc hòa vốn” - đại diện Vụ Thị trường trong nước nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, do Trung Quốc dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ giảm, ví dụ như chuỗi Starbucks, McDonald, KFC và các nhà hàng Trung Quốc, đã đóng rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về cà phê, cá file trắng giảm. Hiện thương lái Trung Quốc không thể sang Việt Nam thu mua dẫn đến không có những đơn hàng mới mặc dù một số loại trái cây đã vào vụ thu hoạch.

Gỡ khó cho nông dân

Để gỡ khó cho người dân tiêu thụ nông sản, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương chia sẻ: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp song nhu cầu nông sản trong hệ thống siêu thị Big C rất lớn vì vậy Big C cam kết hỗ trợ tối đa người nông dân tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên để hạn chế tình trạng nông sản dội chợ rớt giá đòi hỏi người nông dân nên xây dựng mối liên kết chặt chẽ với DN bán lẻ, không nên kinh doanh “chộp giật”. "Năm 2019, khi thanh long rớt giá, Big C đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhưng khi được giá mặc dù Big C vẫn mua theo giá thị trường, hỗ trợ 0% chiết khấu nhưng nông dân lại bán thẳng cho Trung Quốc. Nếu người dân vẫn làm ăn kiểu này thì khó có thể kêu gọi hệ thống bán lẻ tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn”- bà Phương nói.

Ngoài ra, để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, từ mùng 5 Tết, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình, đưa ra cảnh báo. Đồng thời yêu cầu các thương vụ nước ngoài tổ chức tìm kiếm, kết nối chuyển hướng hoạt động thương mại xuất khẩu mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường khác; Đề nghị các DN logistics giúp bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ XK. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới. “Chúng tôi cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển sang XK chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều do XK theo hình thức trao đổi cư dân, đặc biệt là XK trái cây được ưu đãi thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn. Với những sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải.

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách hàng Trung Quốc, đồng thời tiếp tục theo dõi tiến độ XK cho đến khi các cửa khẩu chính thức mở cửa trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh. Thời gian tới Bộ Công Thương động viên, hướng dẫn các chủ hàng XK theo đường chính ngạch đối với các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng gói, gắn tem nhãn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Đối với những lô hàng không đủ điều kiện cần ưu tiên giải phóng hàng trong ngày 9/2 khi chợ biên giới mở cửa trở lại; khuyến nghị các tỉnh biên giới tổ chức hỗ trợ bảo quản đối với các container đến ngày 9/2.

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-cuu-nong-san-rot-gia-vi-ncov-364242.html