Giải mã 9 tiếng khóc của trẻ sơ sinh
Mỗi kiểu khóc của trẻ sơ sinh có nhiều ý nghĩa khác nhau. Hiểu được tiếng khóc của con, mẹ có thể yên tâm hơn trong việc chăm sóc bé.
Ảnh minh họa
Những ông bố bà mẹ lần đầu có con sẽ không khỏi lo lắng khi thấy con yêu khóc quấy. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giảm bớt được căng thẳng, nuôi con nhàn tênh khi đoán được ý muốn của trẻ sơ sinh qua tiếng khóc.
Khóc được coi là ngôn ngữ đặc biệt của trẻ để giao tiếp với cha mẹ và những người xung quanh. Khi con khóc, nghĩa là chúng đang thể hiện một nhu cầu cơ bản nào đó chưa được thỏa mãn như bé đói, buồn ngủ, cần được vỗ về hay minh chứng dấu hiệu trẻ không được khỏe. Khi nghe bé khóc, mẹ đừng vội lo lắng, mà trước tiên hãy tìm hiểu nguyên nhân để đáp ứng ngay cho trẻ.
Hãy cùng "giải mã ngôn ngữ đặc biệt" này của bé, để hiểu bé hơn và bố mẹ cũng sẽ bớt căng thẳng hơn trong quá trình chăm sóc bé.
Trẻ đói bụng
Đây là điều đầu tiên bố mẹ cần nghĩ tới khi trẻ khóc. Khi tiếng khóc bắt đầu bằng âm thanh “nèh” và kèm theo các dấu hiệu: quấy khóc xen giữa là các động tác mút tay, nhóp nhép miệng. Khi cho trẻ bú xong, sau khoảng thời gian ngắn trẻ khóc lại, đây có thể là dấu hiệu cho biết trẻ chưa được bú no.
Khi con đói và gào khóc nhiều, bé sẽ nuốt nhiều không khí, dẫn tới bị đầy hơi và điều này càng khiến bé khó chịu rồi khóc nhiều hơn. Vì thế, ngay khi nhận ra con đói, hãy cho bé ăn, trước khi con bị kích động.
Trẻ cần được ợ hơi
Khi ti mẹ xong, bé khóc dữ dội hơn. Mẹ cho con ti tiếp và bé có dấu hiệu từ chối. Lúc này chị em nên nghĩ ngay đến việc vỗ ợ hơi cho trẻ. Mẹ có thể bế bé đứng thẳng và quay mặt vào ngực mình, cằm tựa lên vai, sau đó nhẹ nhàng vuốt lưng bé. Có một số mẹ lại đặt bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực bé và nâng cằm, tay kia vỗ lưng nhẹ. Mẹ nên nhớ lót một chiếc khăn mỏng dưới cằm con, đề phòng bé trớ ra.
Một số dấu hiệu khác cho thấy bé cần được ợ hơi là bé co đầu gối lên ngực. Hãy giúp con bằng cách đặt bé nằm ngửa, giữ chân con và di chuyển chân như động tác đạp xe.
Trẻ mệt mỏi buồn ngủ
Đối với trẻ sơ sinh, khi con buồn ngủ, chúng thường gắt ngủ. Lúc này bé thường lấy tay dụi mắt, gãi đầu gãi tai, ngáp... một số bé có thể mút tay, ban đầu khóc tương đối nhỏ, nếu xung quanh ồn ào quá không ngủ được thì trẻ sẽ khóc to và liên tục hơn. Khi được mẹ dỗ thì con nín, sau đó con lại khóc...
Giấc ngủ của trẻ vô cùng quan trọng, nếu để trẻ ngủ thiếu giấc sẽ ảnh hưởng sức khỏe cũng như trí tuệ của trẻ sau này. Nếu con vừa có một giấc ngủ ngắn một giờ trước, mà bé vẫn ê a khóc thì có thể là con vẫn chưa ngủ đủ và cần ngủ tiếp.
Trẻ bị kích thích quá mức
Khi con quấy khóc và quay đầu tìm mẹ hoặc quay đầu đi chỗ khác, đó là dấu hiệu cho thấy một số kích thích bên ngoài đang làm bé căng thẳng. Ba mẹ nên xác định và loại bỏ tác nhân kích thích. Hãy ôm trẻ vào lòng và tạo ra những âm thanh nhẹ nhàng để xoa dịu trẻ. Những tác nhân đang kích thích trẻ lúc này có thể là ánh sáng, âm thanh ồn ào hay bé được truyền tay qua hết người này tới người khác...
Bé khó chịu do tã bẩn
Nếu trẻ bắt đầu khóc với âm thanh “héh”, thì có thể là trẻ đang khó chịu hoặc mệt mỏi. Cùng với việc khóc, trẻ cũng sẽ dụi mắt và mũi. Nguyên nhân này có thể giải quyết bằng cách kiểm tra tã của trẻ, tốt nhất ba mẹ nên thay bỉm tã cho trẻ 2-3 giờ/lần để tránh hăm đỏ từ bỉm tã của trẻ và thay ngay lập tức nếu trẻ ị ra tã bỉm.
Trẻ muốn làm nũng, muốn được ôm ấp
Trẻ sơ sinh tuy rằng chưa biết nói, chưa biết thể hiện tình cảm, nhưng con rất thích được cha mẹ ôm ấp, vỗ về. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi bế và ôm ấp con quá nhiều rất dễ làm hư trẻ, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, không hẳn như vậy. Đôi khi chúng ta cũng nên thể hiện sự yêu chiều trẻ. Những đứa trẻ lớn lên vui vẻ sẽ thông minh, lạc quan hơn nhiều.
Khi trẻ làm nũng muốn được ôm ấp, trẻ sẽ có các biểu hiện sau: trẻ khóc lúc cao, lúc thấp, có thể không có nước mắt, chân tay múa máy lung tung, mắt nhìn sang trái sang phải.
Trẻ đau bụng
Khi trẻ kêu rên dữ dội và bồn chồn, đó có thể là do đau bụng. Điều đó xảy ra tối đa ba giờ một ngày, ít nhất ba ngày một tuần và ít nhất ba tuần trong một tháng. Những tiếng khóc này sẽ không thể giải thích được và ở âm vực cao. Cùng với tiếng khóc, trẻ còn nắm chặt tay, co chân, ưỡn lưng.
Trẻ đau bụng thường do bị đầy hơi và mẹ nên tránh thức ăn gây đầy hơi. Nếu con khóc và ưỡn người nhiều quá, mẹ làm nhiều cách mà bé không đỡ, hãy đưa con đến bệnh viện.
Trẻ mắc hội chứng Colic – khóc dạ đề
Mẹ đã cố gắng vận dụng tất cả mọi cách mà vẫn không thể cắt được tiếng khóc to, liên tục của con. Và điều này không xảy ra một lần. Con khóc như thế hằng ngày và kéo dài nhiều giờ thì có thể bé mắc hội chứng Colic.
Đây là một thuật ngữ được dùng để mô tả việc một em bé khỏe mạnh khóc quá nhiều. Nếu con bạn dưới 5 tháng tuổi và khóc nhiều hơn 3 giờ một ngày, hơn 3 ngày trong một tuần, hơn 3 tuần trong một đợt, thì có lẽ bé bị hội chứng này. Đây không phải là một bệnh và không gây hại về sức khỏe lâu dài cho bé nhưng làm cả bé và bạn đều mệt.
Trẻ bị đau đớn, rối loạn khó chịu hay trong cơ thể mắc các bệnh lý
+ Trẻ khóc từng cơn, kèm theo nôn mửa, đại tiện phân lẫn máu, là trẻ có khả năng lồng ruột.
+ Trẻ khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát, rồi lại tiếp tục, kèm theo nôn mửa là trẻ có khả năng có bệnh ở não hay màng não.
+ Trẻ khóc thét, không nhanh, không chậm, đều đều, sắc mặt trắng nhợt, vã mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, không cho sờ vào bụng, nếu sờ vào thì khóc to hơn là trẻ có khả năng viêm ruột cấp, tiêu hóa trục trặc, ký sinh trùng (giun) hoành hành.
+ Trẻ khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm, khó thở, kèm theo sốt bỏ bú là trẻ có khả năng bị viêm amidan cấp.
+ Trẻ khóc với âm điệu bình thường, trẻ ở trạng thái không yên, dỗ thế nào cũng không nín, đó là trẻ bị đau đầu, ngạt mũi, cảm cúm.
+ Trẻ khóc xong lại thở khò khè là trẻ có khả năng viêm phổi.
+ Trẻ khóc tím tái mặt: đây là dấu hiệu rất nguy hiểm có thể gây nên tình trạng tử vong ở trẻ, đặc biệt là các trẻ sau khi sinh. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ rất cao bị tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn bệnh lý tim mạch phức tạp.
+ Trẻ khóc yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng là trẻ có khả năng viêm phổi và suy tim, phải theo dõi sát sao.
+ Trẻ khóc không yên, kèm theo sốt, lắc đầu, vò tai, lấy tay ép vào vành tai lại càng khóc dữ dội là trẻ có khả năng viêm tai giữa.
+ Trẻ khóc suốt đêm, sợ hãi, vã mồ hôi nhiều là trẻ có khả năng bị còi xương giai đoạn đầu.
+ Trẻ khóc trước khi ngủ là thường trẻ bị giun kim, ở cửa hậu môn bò ra, gây ngứa ngáy, khó chịu.
+ Trẻ khóc khi đi tiểu tiện thường là trẻ bị viêm đường tiểu, có thể thấy miệng niệu đạo nhiễm trùng, tấy đỏ.
+ Trẻ khóc, không chịu bú, hễ ngậm vú thì khóc là trẻ có khả năng niêm mạc lợi bị sưng, viêm miệng, nên không bú được.
+ Trẻ khóc dữ dội, luôn tay quờ quạng, vơ nắm mọi vật để ôm vào người là trẻ có khả năng bị mọc mụn, do ẩm nóng, gây ngứa ngáy, khó chịu.
+ Trẻ khóc sau khi đi đại tiện thường là trẻ bị rạn nứt hậu môn.
Đôi khi ba mẹ sẽ không thể tìm ra lý do đằng sau tiếng khóc của trẻ. Nhiều trẻ sơ sinh sẽ khóc từ 15 phút đến 1 giờ mỗi ngày, mà không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Khóc có thể là cách trẻ giải tỏa căng thẳng hoặc thư giãn.
Nếu trẻ không có dấu hiệu đáng lo ngại như sốt, nôn mửa, khó thở, chán ăn và thay đổi giờ ngủ… thì ba mẹ đừng lo lắng khi không tìm ra lý do đằng sau tiếng khóc của trẻ. Để ngăn trẻ khóc, ba mẹ có thể thử cho trẻ bú, làm cho trẻ thoải mái hoặc chơi với trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ không ngừng khóc sau một giờ hoặc có bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào thì tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa. Ngoài ra, ba mẹ nên áp dụng lịch trình cho ăn, ngủ và thay tã hàng ngày, từ đó ba mẹ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ, hạn chế trẻ khóc.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giai-ma-9-tieng-khoc-cua-tre-so-sinh-20230303173833732.htm