Giải mã lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là một sự kiện lớn được tổ chức hàng năm ở nhiều nước nhằm thể hiện tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới theo những cách khác nhau. Trong đó, có quốc gia kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động là một kỳ nghỉ kéo dài, cũng có thể chỉ là một ngày nghỉ. Người dân một số nước vào ngày 1/5 sẽ xuống đường tuần hành đòi quyền lợi lao động.

Không phải ai cũng biết lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ đâu và thời gian nào.

Theo các nhà nghiên cứu, ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng 5 bắt nguồn từ Mỹ năm 1886. Khi ấy, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.

Sở dĩ ngày 1/5 được chọn làm ngày Quốc tế Lao động là bởi vì đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ.

Vào ngày 1/5, công nhân và chủ sẽ ký hợp đồng mới. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể tìm được lý do chối từ.

Vào ngày 1/5/1886, công nhân ở Mỹ đưa ra yêu cầu đối với giới chủ nhưng không được đáp ứng một cách đầy đủ nên công nhân ở khắp nước Mỹ đã tham gia bãi công.

Mục đích của họ là nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công, biểu tình, tổ chức mít tinh tại thành phố Chicago và nhiều thành phố khác ở Mỹ.

Một số cuộc biểu tình với sự tham gia của vài trăm ngàn công nhân bị đàn áp, thậm chí có người bị bắt giữ.

Thế nhưng, đến cuối cùng, giới chủ doanh nghiệp ở Mỹ chấp nhận yêu cầu của giai cấp công nhân ngày làm việc 8 tiếng.

Đến ngày 20/6/1889, Quốc tế Cộng sản II nhóm họp tại thủ đô Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm là ngày Quốc tế Lao động.

Mời độc giả xem video: Tổ chức lao động quốc tế kêu gọi ngăn chặn tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Nguồn: VTC14.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-lich-su-ngay-quoc-te-lao-dong-15-1376463.html