Giải mã 'nhịp tim' của quái vật vũ trụ Tư Mã Thiên từng mô tả
Các nhà khoa học vừa đưa ra lời lý giải mới cho sự biến đổi ma quái của Betelgeuse, một 'quái vật vũ trụ' lớn hơn Mặt Trời 1.400 lần.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal chỉ ra rằng "quái vật vũ trụ" Betelgeuse - vật thể luôn khiến các nhà khoa học bối rối - là một hệ sao đôi có kích cỡ rất chênh lệch nhau.
Betelgeuse là ngôi sao sáng thứ 2 trong chòm sao Lạp Hộ với ánh sáng biểu kiến mạnh mẽ hơn Mặt Trời những 100.000 lần và nằm cách Trái Đất 724 năm ánh sáng.
Dựa vào các tài liệu lịch sử, các nhà khoa học dự đoán rằng nó sắp phát nổ thành một siêu tân tinh.
Cụ thể hơn vào hơn 2.100 năm trước, sử gia - nhà bác học của Trung Quốc Tư Mã Thiên mô tả ngôi sao Sâm Tú Tứ - tức Betelgeuse - có màu vàng rực chứ chứ không đỏ như Tâm Tú Nhị (Antares) trong chòm Thiên Yết.
Nhưng vào khoảng 2.000 năm trước, học giả người La Mã Hyginus mô tả Betelgeuse có màu vàng cam như Sao Thổ. Đến thế kỷ 16, nhà thiên văn học Đan Mạch Tycho Brahe mô tả Betelgeuse thời kỳ đó đã đỏ hơn Antares.
Hiện tại, Betelgeuse là một ngôi sao siêu đỏ.
Chính sự đổi màu qua các thời kỳ này khiến các nhà khoa học đưa ra kết luận là nó là một ngôi sao đã đi đến giai đoạn cuối của một sao khổng lồ đỏ và sắp nổ.
Tuy nhiên, tín hiệu ánh sáng từ ngôi sao quái vật có kích thước lớn hơn Mặt Trời tận 1.400 lần này hết sức bất thường.
Nó nhiều lần sáng lên rực rỡ rồi lại mờ đi, khiến các nhà khoa học "thót tim" nghĩ rằng nó sắp nổ trong nhiều năm qua.
Vì vậy nó được xếp loại là sao biến quang, với ánh sáng dao động như nhịp tim. Nó cũng sở hữu tới 2 "nhịp tim": Một nhịp đập theo thang thời gian dài hơn 1 năm một chút và một nhịp đập theo thang thời gian khoảng 6 năm.
Một trong những nhịp đập này là chế độ cơ bản của Betelgeuse, một mô hình sáng lên và mờ đi do bản chất của ngôi sao. Nếu nhịp đó là nhịp 6 năm Betelgeuse có thể sẽ nổ sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, nếu nhịp tim cơ bản của nó là nhịp tim ngắn, như một số nghiên cứu chỉ ra, thì nhịp tim dài hơn của nó là một hiện tượng được gọi là chu kỳ thứ cấp dài, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Jared Goldberg của Viện Flatiron (Mỹ).
Các tác giả chỉ ra rằng trong tình huống này, nhịp tim thứ 2 là do một tác động bên ngoài, cụ thể là một vật thể đồng hành.
"Chúng tôi đã loại trừ mọi nguồn biến thiên nội tại mà chúng tôi có thể nghĩ đến về lý do tại sao hiện tượng sáng lên và mờ đi lại xảy ra theo cách này" - tờ Sci-News dẫn lời TS Goldberg.
Họ gọi vật thể đồng hành đó là Betelbuddy, nhưng chưa thể kết luận đó là dạng vật thể nào. Tuy vậy, khả năng cao nhất đó là một ngôi sao đồng hành có khối lượng gấp đôi Mặt Trời.
TS László Molnár, nhà thiên văn học tại Đài quan sát Konkoly (Hungary), đồng tác giả, cho biết họ đang nghiên cứu các biện pháp quan sát có khả năng giải mã tường tận bản chất của vật thể đồng hành này.