Giải mã sức hút của Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2023
Mặc dù ngày 7/12 mới kết thúc nhưng Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2023 đã thắng lớn khi thu hút trên 200.000 lượt khách tham quan.
Từ số hóa di sản
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến lễ hội là giới sinh viên chuyên ngành văn hóa và công nghệ. Họ mong mỏi tìm kiếm điểm chung trong việc cụ thể hóa quá trình gìn giữ và tạo lập di sản ở Việt Nam trong tương lai.
Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2023 cũng đánh dấu bước chuyển mình, từ việc gìn giữ di sản bằng cách thức truyền thống sang cách thức mới - sử dụng công nghệ để số hóa, lan tỏa và thiết lập một di sản hoàn toàn mới.
Đại diện Đại học RMIT Việt Nam khẳng định, công nghệ là động lực cho sự đổi mới và chuyển đổi nhưng cũng là nguồn gốc của những thách thức và tình huống khó xử. Vì vậy, những hoạt động tại liên hoan năm nay hứa hẹn giải quyết những vấn đề này từ góc nhìn của người có chuyên môn.
Hàng chục cuộc tọa đàm xoay quanh chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI) đối với di sản văn hóa được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Thay vì “lên án”, đối phó và chế ngự AI, giới chuyên gia đã bắt đầu công nhận những hiệu quả khi áp dụng công nghệ để số hóa, trình chiếu và sáng tạo các giá trị di sản.
Trong đó, triển lãm “Trí tuệ và Công nghệ” là câu trả lời từ các nhà nghiên cứu và nghệ sĩ dưới dạng tác phẩm vật lý, kỹ thuật số hoặc tương tác sử dụng công nghệ mới (AR, VR, AI). Các nghệ sĩ tham gia triển lãm cho thấy mức độ không giới hạn của công nghệ trong việc bảo lưu và lan tỏa các giá trị di sản.
Trước bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, con người đứng trước nhiều câu hỏi, như làm thế nào để khai thác tiềm năng, công cụ công nghệ để nâng cao khả năng sáng tạo của con người? Có cách nào để đối phó với những rủi ro và bất ổn từ chúng? Làm sao để cân bằng?
Trao đổi với Báo GD&TĐ, giám tuyển Nguyễn Hải Nam cho rằng triển lãm đi sâu vào các không gian cả thực và số, khám phá tác động của công nghệ lên tôn giáo, trải nghiệm khả thể của ký ức và bảo tồn văn hóa thông qua kỹ thuật số hóa.
Mỗi tác phẩm khiến khách tham quan hoàn toàn đắm chìm, tương tác với nghệ thuật và tận hưởng trải nghiệm. Dưới vẻ bề ngoài đó là sự khuyến khích suy ngẫm, khơi dậy câu hỏi về cách chúng ta định hướng giữa kỷ nguyên số.
Nếu không có công nghệ, hàng chục vạn tư liệu lịch sử - văn hóa không được số hóa. Nếu không có công nghệ thì không có các triển lãm trực tuyến 3D. Không áp dụng công nghệ, không thể phục dựng thành công hình ảnh điện Kính Thiên, càng không có “bữa tiệc ánh sáng” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Kết quả mà công nghệ đem lại trong quá trình bảo tồn và lan tỏa di sản văn hóa đã khẳng định sự cần thiết, mà Hà Nội với vai trò là “anh cả” đi đầu tích lũy kinh nghiệm sẽ là bài học cho Hội An và Đà Lạt - hai địa phương của Việt Nam vừa gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tới quảng bá văn hóa bằng… game
Theo giới chuyên gia, sử dụng công nghệ để gìn giữ di sản không chỉ là nhiệm vụ của thời đại 4.0, mà từ công nghệ chúng ta còn có thể kiến tạo di sản và quảng bá cách hiệu quả. Nếu như di sản hôm nay được tạo ra từ quá khứ, thì di sản mai sau phải được tạo lập từ hiện tại.
Một trong các ý tưởng đáng chú ý và thu hút giới trẻ nhất trong các sự kiện của Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2023 chính là tọa đàm “Gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể trong trò chơi điện tử (game)”, dưới sự điều phối của 2 chuyên gia Đại học RMIT là Bùi Quỳnh Như và Lucian Rodriguez Lovell.
Trong khi trên thế giới, game không chỉ là trò chơi giải trí, mà còn có yếu tố giáo dục và tính kết nối cao. Ở một số nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… game còn là một văn hóa phẩm để truyền bá văn hóa.
Chỉ cần một tựa game thu hút sẽ trở thành công cụ tiếp thị văn hóa hiệu quả. Thế nhưng ở Việt Nam, game lại vướng phải những định kiến đi kèm những hình ảnh tiêu cực ở giới trẻ như ham chơi, bỏ học.
“Thuận Thiên kiếm” được xem là game dã sử đầu tiên của Việt Nam được xây dựng dựa trên những câu chuyện lịch sử - văn hóa dưới sự cố vấn của PGS sử học Huỳnh Lứa. Trong game, người chơi nhập vai trong bối cảnh thời Lê - từ khi Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy.
Các kỳ thi thời phong kiến được tái hiện, từ khảo hạch, thi Hương, thi Hội cho đến thi Đình đều rất chân thật. Người chơi lần lượt trả lời câu hỏi theo độ khó tăng dần. Nội dung câu hỏi trong hoạt động khoa cử là kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa cổ Việt Nam, ca dao tục ngữ, thơ văn trung đại, các câu đố dân gian…
Sau “Thuận Thiên kiếm”, nhiều game lịch sử - văn hóa ra đời, như dự án “Việt sử kiêu hùng” đưa người chơi tham gia vào nhiều trận kháng chiến oai hùng của dân tộc. Hay mới nhất là game 7554 xây dựng trên bối cảnh 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong game, người chơi sẽ trải qua lần lượt nhiều trận đánh ở nhiều không gian và thời gian khác nhau như: Bảo vệ Bắc Bộ phủ (12/1946), trận Đông Khê (9/1950), chiến dịch Hòa Bình (1951 – 1952), chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954)…
Được xây dựng trên nền tảng đồ họa cao cấp và sử dụng những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực video game, 7554 mang đến một chất lượng đồ họa vượt trội. Ngoài ra, sự cầu toàn và tính nghiêm túc đã tạo ra một môi trường thực sự Việt Nam mà trước đây chưa một tựa game nội địa nào có được. Các chiến trường xưa đều được tái hiện trên cơ sở thực tế, nghiên cứu chi tiết.
Nhà nghiên cứu Bùi Quỳnh Như - Đại học RMIT cho rằng, sử dụng game để quảng bá di sản văn hóa là việc làm hiệu quả, và nhiều nước đã thực hiện từ lâu. Hoạt động trong game tương tác với người chơi thông qua các dữ liệu, hình ảnh của lịch sử và văn hóa giúp người chơi thêm hiểu và thêm yêu các giá trị cổ truyền. Game lịch sử không đơn thuần chỉ giải trí, lan tỏa di sản, mà còn có thể trở thành một lĩnh vực chủ đạo trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa.