Giải mã thành tích khám phá thành công 100% các vụ trọng án của Công an TP Đà Nẵng

Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản xảy ra tại Đà Nẵng đều được lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cảnh sát hình sự) khám phá với tỷ lệ 100%. Trong đó, nhiều vụ đối tượng gây án sử dụng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che giấu hành vi, trốn chạy nhưng vẫn bị bắt giữ nhanh chóng. Vậy đâu là nguyên nhân giúp 'giải mã' thành công những vụ trọng án tại Đà Nẵng? Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Tín- Phó Trưởng phụ trách phòng Cảnh sát hình sự để hiểu rõ nội dung này.

Thượng tá Lê Văn Tín.

Thượng tá Lê Văn Tín.

PV: Xin Thượng tá cho biết đâu là nguyên nhân giúp lực lượng Cảnh sát hình sự Đà Nẵng có thể khám phá thành công 100% các vụ trọng án xảy ra thời gian qua?

Thượng tá Lê Văn Tín: Những vụ trọng án như giết người, cướp tài sản là những vụ án để lại hậu quả nặng nề, tạo ra bất an lớn trong dư luận. Do đó yêu cầu đặt ra bằng mọi cách phải xác định, làm rõ nhanh đối tượng gây án để xử lý nghiêm trước pháp luật, nhằm ổn định tình hình, trấn an dư luận. Cũng chính vì vậy, khi có vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an TP chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương tiến hành truy xét nhanh đối tượng. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đà Nẵng đều được tập trung điều tra làm rõ trong thời gian ngắn với tỷ lệ 100%.

PV: Thời gian qua tại Đà Nẵng xảy ra một số vụ cướp ngân hàng rất manh động, việc truy xét đối tượng khó như "mò kim đáy bể" nhưng chỉ thời gian ngắn sau khi gây án tất cả các đối tượng đều bị bắt. Vậy đâu là bí quyết để có thể nhanh chóng khám phá các vụ cướp ngân hàng gây rúng động dư luận như vậy?

Thượng tá Lê Văn Tín: Các vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Đà Nẵng thời gian qua đều có tính chất nghiêm trọng, thiệt hại lớn, đối tượng manh động, dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt để che giấu hành vi. Đơn cử như vụ cướp ngân hàng trên đường Đống Đa, trước khi gây án đối tượng Lê Phú Cao đã lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các thủ đoạn liên quan tới tội phạm cướp ngân hàng để áp dụng. Vì thế, đối tượng chọn thời điểm gây án vào buổi trưa, trùm áo khoác chống nắng kín người, khi vừa vào phòng giao dịch ngân hàng đã kéo sập cửa, dùng súng nhựa uy hiếp, khống chế nhân viên đồng thời thực hiện cướp 660 triệu đồng. Sau khi gây án, đối tượng rất ma mãnh đi vào những chỗ không có camera trên đường, tìm khu vực vắng vẻ cởi bỏ quần áo nhằm thay hình đổi dạng, thay biển số xe, sau đó chạy vòng vèo nhiều cung đường để né tránh. Mặc dù thủ đoạn của đối tượng tinh vi, nhưng chỉ sau 1 ngày khẩn trương truy vết, đối tượng cũng đã bị bắt khi đang ẩn náu tại phòng trọ khu vực quận Liên Chiểu.

Việc nhanh chóng khám phá, truy bắt được đối tượng gây án thể hiện sự nhạy bén, vận dụng sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ của người trinh sát. Nghiệp vụ cơ bản thì giống nhau, nhưng kinh nghiệm, sự nhạy bén để đưa ra phán đoán cho từng vụ việc rất quan trọng. Mà cái này thì không trường lớp nào dạy cả, phải tự học, tự tích lũy, đúc kết qua từng vụ án. Từ đó, trên cơ sở phân tích tài liệu, chứng cứ thu thập được, cũng như phân tích quy luật, tâm lý tội phạm… sẽ đưa ra hướng điều tra phù hợp, tiến hành khoanh vùng, sàng lọc đối tượng, triển khai các giải pháp phong tỏa những đầu mối đối tượng có thể tẩu thoát. Khi đã phong tỏa hết, đối tượng muốn đi cũng không được, mà có đi cũng sẽ biết đi đâu. Do đó, sự nhạy bén, phân tích đưa ra định hướng điều tra rất quan trọng.

PV: Có ý kiến cho rằng chính chất "máu lửa" trong mỗi trinh sát hình sự đã tạo động lực, quyết tâm rất lớn để có thể nhanh chóng tìm ra chân dung kẻ thủ ác trong các vụ trọng án. Thượng tá thấy sao về nhận định này?

Thượng tá Lê Văn Tín: Những người làm hình sự luôn có chất "máu lửa" trong mình. Khi án xảy ra bao giờ cũng muốn phải bắt ngay, xử lý nhanh, quyết không dung thứ cho tội ác. Tội phạm sau khi gây án sẽ tìm mọi cách che giấu, chạy trốn chứ không chờ Công an tới bắt. Vì vậy, đòi hỏi người lính hình sự phải sẵn sàng xông pha, luôn thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo nhanh nhất, với quyết tâm cao nhất. Chỉ có như vậy mới nhanh chóng tìm ra đối tượng gây án. Ngược lại, nếu giao việc mà ì ạch, chậm trễ triển khai, chỉ sau một giờ, một ngày mọi việc đã vượt khỏi tầm tay. Cho nên nhiều cán bộ về hình sự mà tư duy kiểu hành chính, cứ sợ vướng chỗ này chỗ kia, quy định này quy định kia, không đưa ra những quyết định táo bạo, kịp thời thì không làm được.

Có thể khẳng định, chính sự quyết đoán, táo bạo, mưu trí đã làm nên những chiến công. Nhiều vụ trọng án xảy ra, việc khám phá, truy xét đối tượng thấy khó như "mò kim đáy bể", nhưng chỉ vài chục giờ sau là bắt được đối tượng, thậm chí đối tượng cao chạy xa bay tới địa phương khác. Đơn cử như vụ cướp ngân hàng, giết người xảy ra tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn vào cuối năm 2023 khiến dư luận Đà Nẵng và cả nước sôi sục, dõi theo từng bước trong hành trình khám phá, truy xét hung thủ. Hai đối tượng Nguyễn Mạnh Cường và Trần Văn Trí không có công ăn việc làm, đam mê cờ bạc, nợ nần tiền bạc, quen biết nhau trên mạng xã hội rồi thuê chỗ trọ ở cùng nhau, lên mạng internet mua 1 khẩu súng, chuẩn bị dao và đi cướp ngân hàng. Trước khi thực hiện vụ cướp, các đối tượng cũng đã nghiên cứu các tuyến đường không có camera an ninh để tẩu thoát, đồng thời chỉ chọn ngân hàng có một bảo vệ trông coi để dễ bề hành động.

Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng bắt đối tượng trong vụ cướp ngân hàng trên đường Đống Đa.

Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng bắt đối tượng trong vụ cướp ngân hàng trên đường Đống Đa.

Ngay khi vụ việc xảy ra, lực lượng Cảnh sát hình sự được huy động tổng lực, bằng mọi cách phải tìm ra hung thủ và truy bắt trong thời gian ngắn nhất. Bản thân mỗi cán bộ chiến sĩ hình sự lúc đó máu nghề sôi sục, gần như quên ăn, quên ngủ chỉ nghĩ đến việc vẽ ra chân dung hung thủ, đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, không hiểu sao trong hoàn cảnh đó, áp lực như vậy, lại có thể nghĩ, đưa ra những quyết định táo bạo, mở ra chìa khóa của vụ án. Có lẽ, cái đọng lại cuối cùng chính là sự quyết tâm, máu lửa với nghề, không cam chịu, dung thứ cho tội ác đã hun đúc thành động lực, quyết tâm phá án.

PV: Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này.

HẢI QUỲNH (thực hiện)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/giai-ma-thanh-tich-kham-pha-thanh-cong-100-cac-vu-trong-an-cua-cong-an-tp-da-nang-post302222.html