Giải ngân nhanh vốn đầu tư công khen thưởng, giải ngân chậm xử lý

'Gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến'. Đây là chỉ đạo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra sáng nay (16/7).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị (ảnh TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị (ảnh TTXVN)

NGHỊCH LÝ CÓ VỐN, CHẬM GIẢI NGÂN

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm đạt gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%. Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân khoảng 690 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỷ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao.Về Dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đã được Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng. Hiện nay đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20/8 tới sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.

Đáng nói, trong khi không ít tỉnh, thành vẫn “xin” bổ sung ngân sách cho đầu tư, thì nguồn vốn có đó lại chậm được giải ngân. Đây là vấn đề cần phải tháo gỡ từ góc độ các văn bản quy phạm pháp luật.

TĂNG TỐC GIẢI NGÂN KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Người đứng đầu Chính phủ cho hay, năm nay (2020), chúng ta phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ, ngành. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, qua các ý kiến tại hội nghị cũng như kiểm tra nắm tình hình thì công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, bất cập, trong đó số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm gần 6% kế hoạch. Đặc biệt, trong công tác giải ngân thì giải ngân vốn ODA là chậm nhất.

Để làm được điều này, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nếu giải ngân chậm các nguồn vốn vay, trong đó có vay ODA thì sẽ dẫn đến nghịch lý các dự án khát vốn mà chúng ta đã bị tính lãi (ảnh mang tính minh họa)

Nếu giải ngân chậm các nguồn vốn vay, trong đó có vay ODA thì sẽ dẫn đến nghịch lý các dự án khát vốn mà chúng ta đã bị tính lãi (ảnh mang tính minh họa)

Chỉ còn 25-26 tuần là hết năm, do đó Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết. Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm. “Gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Như Lao động Thủ đô từng đề cập, trong công tác quản lý tài chính nói chung, nguồn vốn đầu tư nói riêng đang xảy ra nghịch lý, đó là: Vì ngân sách hạn hẹp, nên chúng ta phải đi vay, trong đó có vay ODA (vay ưu đãi), song khi tiền vay về, lại “vướng mắc” dẫn đến chậm giải ngân. Kết quả, các dự án đói vốn, tiền “nằm’ trong kho, lãi bắt đầu phải tính trả. Bởi thế, qua Hội nghị lần này, hy vọng sẽ giải quyết được mâu thuẫn trên.

PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-ngan-nhanh-von-dau-tu-cong-khen-thuong-giai-ngan-cham-xu-ly-110509.html