Giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã có sự bứt phá

Kết thúc quý III, nhiều địa phương đã có sự bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đáng chú ý, 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% trong 7 tháng năm 2024, đến nay cũng đã có sự cải thiện đáng kể.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Cải thiện tỷ lệ giải ngân tại nhiều địa phương

Vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương là 27.220 tỷ đồng, bao gồm 26.400 tỷ đồng vốn trong nước và 820 tỷ đồng vốn nước ngoài. Sau khi nhận vốn, các địa phương đã khẩn trương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức triển khai thực hiện, do đó tỷ lệ giải ngân các CTMTQG cũng được cải thiện đáng kể.

Theo đó, ngoài 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân trên 50% trong 7 tháng (báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ) là Hậu Giang, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Yên Bái, Thanh Hóa, Lâm Đồng, An Giang, Tây Ninh, Sơn La, Tiền Giang, Trà Vinh, đến nay vẫn tiếp tục đạt tỷ lệ cao thì đến hết tháng 9 vừa qua, đã có thêm nhiều địa phương bứt phá nâng tỷ lệ giải ngân lên trên 50%, như Quảng Bình đã giải ngân đạt 70% nguồn vốn này; Bình Định đạt 60%; Lạng Sơn đạt 70%. Ngoài ra các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lai Châu... đều đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% trở lên.

Đáng chú ý, 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% trong 7 tháng, đến hết tháng 9 vừa qua đã có 6 địa phương có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ giải ngân, trong đó phải kể đến Hòa Bình và Nam Định đã có sự bứt phá lần lượt từ 15% lên 54% và từ 10% lên 51%. Tiếp đến là Phú Yên từ 15% lên 32%; Hà Tĩnh từ 13% lên 25%; Thái Bình từ 18% lên 39%; Cà Mau từ 12% lên 19%. Riêng tỉnh Bình Phước chưa phân bổ vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững nên hiện tỷ lệ giải ngân vẫn đạt 8%.

Với sự cải thiện đáng kể đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của nguồn vốn này cũng được nâng lên. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2024, nguồn vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG giải ngân được trên 11.809 tỷ đồng, đạt 43,39% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ước đến hết tháng 9 giải ngân được trên 15.054 tỷ đồng, đạt 55,31% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95%

Mặc dù tỷ lệ giải ngân đã có sự cải thiện, nhưng chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra là giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn.

Nhiều địa phương bứt phá, nâng tỷ lệ giải ngân lên trên 50%

Đến hết tháng 9 vừa qua, đã có thêm nhiều địa phương bứt phá nâng tỷ lệ giải ngân lên trên 50%, như Quảng Bình đã giải ngân đạt 70% nguồn vốn này; Bình Định đạt 60%; Lạng Sơn đạt 70%. Ngoài ra các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lai Châu... đều đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% trở lên.

Thời gian không còn nhiều, trong khi nhiều khó khăn vẫn hiện hữu. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, các địa phương còn chậm tổ chức triển khai thực hiện (chậm phân bổ kế hoạch vốn, giao dự toán; chậm lập, phê duyệt dự án đầu tư, đối tượng hỗ trợ); một số cơ chế chưa ban hành, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện (quy định về đối tượng người có lao động thấp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG Giảm nghèo bền vững; đối tượng, nội dung thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…).

Triển khai thực hiện các CTMTQG trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân. Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ CTMTQG ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các CTMTQG cũng góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Với ý nghĩa tốt đẹp đó, cùng quyết tâm đưa nhanh, kịp thời nguồn vốn CTMTQG đến các dự án, công trình, ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương yêu cầu các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án/nội dung thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ...) và UBND kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban bành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phân bổ vốn; trường hợp đã phân bổ vốn, đề nghị gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thực hiện rà soát và phân bổ vốn các CTMTQG theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG.

Một số địa phương phân bổ vốn chưa phù hợp với quy định

Tại báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho biết, qua rà soát việc phân bổ, giải ngân vốn tại các chương trình/dự án/tiểu dự án/nội dung thành phần cho thấy, vẫn còn một số địa phương thực hiện việc phân bổ vốn chưa phù hợp với quy định.

Cụ thể, về vốn đầu tư CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình này, Nội dung số 04 (Giảm nghèo bền vững) sử dụng nguồn vốn lồng ghép của 2 CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và CTMTQG giảm nghèo bền vững (không bố trí vốn của CTMTQG xây dựng NTM).

Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024 cho Nội dung thành phần số 04 là 372 triệu đồng, đã giải ngân 289 triệu đồng. Việc phân bổ này chưa phù hợp với quy định.

Tương tự ở CTMTQG giảm nghèo bền vững, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình này, Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), Dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo), Dự án 7 – Tiểu dự án 1 (nâng cao năng lực thực hiện Chương trình) sử dụng nguồn vốn sự nghiệp (không sử dụng vốn đầu tư công).

Tuy nhiên, 3 tỉnh Nghệ An, Bình Phước, Hòa Bình đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024 cho các dự án/tiểu dự án nêu trên trên 4,8 tỷ đồng (ngân sách trung ương trên 3,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 1,3 tỷ đồng), đã giải ngân trên 3,1 tỷ đồng; phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 là 315 triệu đồng, đã giải ngân 315 triệu đồng. Việc phân bổ, giải ngân vốn của 3 tỉnh này theo Bộ Tài chính là chưa phù hợp với quy định…

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ngan-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-da-co-su-but-pha-161598.html