Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng vẫn chậm

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trong thời gian qua. Theo đánh giá của UBND tỉnh, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết: Tổng kế hoạch ĐTC nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.864 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 3.277 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương (NSTW) là 1.587 tỷ đồng. Tổng kế hoạch ĐTC nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh phân bổ là 6.345 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW 1.994 tỷ đồng, vốn NSĐP 4.351 tỷ đồng.

Với tính chất đặc biệt quan trọng của nguồn lực ĐTC đối với thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, năm 2024, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục xác định giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đốc thúc tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 và tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Đồng thời, tiếp tục thành lập 3 tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc giải ngân ĐTC do 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung của toàn tỉnh.

Gói thầu đường nối từ đường tránh Quốc lộ 1 với nhánh Đông đường Hồ Chí Minh (thuộc dự án BIIG2 Quảng Bình).

Gói thầu đường nối từ đường tránh Quốc lộ 1 với nhánh Đông đường Hồ Chí Minh (thuộc dự án BIIG2 Quảng Bình).

Với sự quyết liệt và nỗ lực của các cấp, ngành, chủ đầu tư, giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 của tỉnh Quảng Bình đến hết tháng 8/2024 đã thực hiện được gần 2.431 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,3% so với kế hoạch tỉnh triển khai, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ (tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 8/2023 là 35,48%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân chung cả nước là 37,01%); trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn NSTW trong nước đạt 44,1%, vốn ODA đạt 50,1%, vốn NSĐP đạt 35,2%.

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết: Năm 2024, huyện Lệ Thủy có 4 dự án sử dụng NSTW với số vốn được bố trí là hơn 84 tỷ đồng; 9 dự án ngân sách tỉnh, với tổng số vốn được bố trí là hơn 60,5 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2024, huyện đã giải ngân đạt tỷ lệ 55,13%; trong đó nguồn vốn NSTW đạt 42,58% và ngân sách tỉnh đạt 72,56%.

“Căn cứ và tình hình thực tế, với tiến độ thực hiện các dự án như hiện nay, huyện Lệ Thủy cam kết sẽ giải ngân hết nguồn vốn ĐTC năm 2024 đã được bố trí theo đúng kế hoạch”, ông Đặng Đại Tình cho hay.

“Điểm mặt” nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm

Đánh giá của Sở KH-ĐT cho thấy, mặc dù tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC 8 tháng năm 2024 đã cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Tổng hợp báo cáo từ số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh và các chủ đầu tư cho thấy, hiện có 53 dự án giải ngân thấp (dưới 30%) với tổng số vốn bố trí là 978 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chung của các dự án này đạt 11,8%, đặc biệt có 18 dự án chưa giải ngân (tỷ lệ 0%) với số vốn bố trí là 60 tỷ đồng.

Theo Sở KH-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn ĐTC chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng nguyên nhân đầu tiên và trước hết là trách nhiệm chưa cao của các chủ đầu tư trong quá trình chỉ đạo đôn đốc, triển khai, nghiệm thu, thanh toán cho các dự án.

Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khác cũng dẫn đến làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư chỉ rõ tại hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn ĐTC 8 tháng năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức mới đây. Trong đó, vướng mắc nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Một số dự án triển khai từ năm 2021 đến nay, đơn giá GPMB đã có nhiều thay đổi làm tăng chi phí GPMB, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Mặt khác, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, quy trình thực hiện bồi thường, GPMB có một số điểm khác, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên các đơn vị liên quan còn lúng túng hoặc chưa đủ cơ sở để thực hiện, làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ dự án...

Dự án đường Hồng Hóa-Yên Hóa-Quy Đạt, huyện Minh Hóa (giai đoạn 1) đang gặp vướng mắc về mặt bằng.

Dự án đường Hồng Hóa-Yên Hóa-Quy Đạt, huyện Minh Hóa (giai đoạn 1) đang gặp vướng mắc về mặt bằng.

Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Đinh Thiếu Sơn cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC năm 2024 của thị xã đến cuối tháng 8 đạt 50,12%; trong đó tỷ lệ giải ngân vốn NSTW là 27,3% và ngân sách tỉnh là 61,29%. Theo rà soát thì hầu hết các dự án đều có thể giải ngân đạt kế hoạch trong năm 2024.

“Riêng dự án hạ tầng các tuyến nối từ Quốc lộ 12A phường Quảng Phong đi phường Quảng Long và kết nối đường đi trung tâm huyện Quảng Trạch (giai đoạn 1) gặp vướng mắc trong công tác GPMB, bởi một số các quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ có sự thay đổi dẫn đến tăng chi phí GPMB, một số hộ gia đình không đồng ý về giá và yêu cầu bồi thường nhà ở ngoài phạm vi GPMB”, ông Đinh Thiếu Sơn cho hay.

Đáng chú ý, năm 2024, kế hoạch vốn kéo dài toàn tỉnh tương đối lớn. Sở KH-ĐT cho biết, tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 hơn 881 tỷ đồng; nguồn dự phòng NSTW năm 2023 là 100 tỷ đồng và tất cả các nguồn này chỉ được phép thực hiện và giải ngân đến 31/12/2024. Vì thế các chủ đầu tư tập trung giải ngân các nguồn vốn này trước, dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 đạt thấp.

Bên cạnh đó, nhiều dự án phải bổ sung hạng mục phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới làm tăng tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt; một số dự án khởi công mới năm 2023 nhưng vẫn chưa triển khai thi công; các dự án khởi công mới năm 2024 đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư và các thủ tục pháp lý liên quan để đưa dự án vào triển khai thi công nên chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp... Đây cũng là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Để phấn đấu từ nay đến ngày 31/12/2024, giải ngân hết số vốn ĐTC được Thủ tướng Chính phủ giao, tại hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn ĐTC 8 tháng năm 2024 mới diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương các chủ đầu tư tiếp tục quán triệt công tác giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới; khắc phục tối đa hạn chế vướng mắc, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân để giải ngân hết các nguồn vốn ĐTC năm 2024 theo kế hoạch giao.

UBND tỉnh nghiêm khắc phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 8 tháng năm 2024 đạt 0%, gồm 8 dự án với tổng vốn bố trí là 60 tỷ và nhắc nhở, chấn chỉnh các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân các dự án dưới 30%, dưới mức trung bình toàn tỉnh, gồm 44 dự án giải ngân thấp với tổng số vốn bố trí là 1.041 tỷ đồng.

“Tỷ lệ giải ngân thấp gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, ảnh hưởng tới việc huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nói.

Với tính chất quan trọng của nguồn lực ĐTC đối với sự phát triển, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thực hiện và giải ngân vốn ĐTC. Lên kế hoạch chi tiết từng hạng mục công việc, thời gian hoàn thành và thực hiện theo kế hoạch đã được phân công; vướng mắc tại bước nào, khẩn trương phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết nhằm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Cụ thể, đối với các dự án chậm giải ngân do vướng GPMB, chủ đầu tư phối hợp với UBND các huyện có công trình triển khai trên địa bàn khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với các dự án chậm giải ngân do nhà thầu thi công triển khai chậm, chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực để triển khai thi công, rà soát hợp đồng, xử lý trách nhiệm nhà thầu, trường hợp cần thiết chấm dứt, thay thế nhà thầu để bảo đảm tiến độ dự án.

Đối với các dự án không giải ngân, giải ngân thấp không vướng GPMB, cần khẩn trương đôn đốc nhà thầu thi công tiến hành công tác nghiệm thu thanh toán để giải ngân vốn. Và các dự án còn lại, cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC. Ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn kéo dài trước, kế hoạch vốn năm 2024 sau.

Anh Tuấn

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202409/giai-ngan-von-dau-tu-cong-co-chuyen-bien-nhung-van-cham-2221153/