Giải nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động ngành Công đoàn tiếp tục dính nghi án đạo nhái

Sau một tuần giải đặc biệt và 6 giải phụ đoạt giải cuộc thi 'Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam' bị cư dân 'tố' đạo nhái, vẫn chưa có sự phản hồi của các tác giả đoạt giải. Mới đây, cư dân mạng tiếp tục tung bằng chứng chỉ ra tác phẩm đoạt giải nhất cũng là bản sao!

Giải nhất cũng là tác phẩm đạo nhái?

Sáng 10/4, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi "Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam". Đơn vị đăng cai tổ chức là Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Cuộc thi thu hút 28 đơn vị tham gia với 306 tác phẩm. Hơn 2 tháng sau, Ban giám khảo đã công bố 27 tác phẩm đoạt giải, nhưng gần như ngay lập tức đã bị cư dân mạng "tố" có đến 7 tác phẩm đoạt giải gồm: 1 giải đặc biệt, 2 giải 3 và 4 giải khuyến khích là tranh đạo nhái.

Tác phẩm đoạt giải nhất được cư dân mạng cho là "đạo" lại hai tác phẩm bên cạnh

Tác phẩm đoạt giải nhất được cư dân mạng cho là "đạo" lại hai tác phẩm bên cạnh

Những tưởng đây đã là con số "khủng" về "đạo tranh" trong một cuộc thi nhưng không, con số đó vẫn chưa dừng lại khi tác phẩm đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó Trưởng Khoa Nhạc Hoa Thể dục Trường Cao đẳng Hải Dương bị cư dân mạng "bóc phốt" là "bản sao" của hai tác phẩm khác.

Theo cư dân mạng, tác phẩm đoạt giải nhất đã lấy bố cục tác phẩm "Em là mầm non của Đảng" của tác giả Nguyễn Ngần, sáng tác kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng và lấy chi tiết trong tranh cổ động chào mừng đại hội Đảng của họa sĩ Trần Mai.

Tác phẩm đoạt giải 3 của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân

Tác phẩm đoạt giải 3 của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân

Ngoài ra, theo những người trong nghề, vẫn còn những tác phẩm đoạt giải cuộc thi này là "tranh đạo", nhưng được làm tinh vi hơn khi cắt cúp những chi tiết của nhiều tác phẩm khác nhau để tạo thành một bức tranh mới. Song, những bức tranh này chỉ lừa được người "ngoại đạo" chứ không thể qua mắt được người trong nghề.

Đặt câu hỏi về năng lực ban giám khảo?

Trong khi tác giả của những tác phẩm bị "tố" im lặng thì câu chuyện "đạo tranh" cổ động này lại thu hút dư luận của những người trong nghề với nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Sơn - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng câu chuyện sáng tạo trong dạng tranh áp phích cổ động không phải là câu chuyện đáng bàn lắm. Bởi quy ước từ xưa với dòng tranh này thì đều là những bản sao chép.

Tác phẩm đoạt giải khuyến khích của bà Nguyễn Thị Hồng Vân bị "tố" sao chép

Tác phẩm đoạt giải khuyến khích của bà Nguyễn Thị Hồng Vân bị "tố" sao chép

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc của một trung tâm nghệ thuật ở Hà Nội, nói không nên đặt quan điểm vẽ tranh cổ động là một hình thức sáng tạo nghệ thuật, nó đơn thuần chỉ là tuyên truyền bằng ngôn ngữ hội họa hay đồ họa. Tranh cổ động cũng là sản phẩm được tạo mẫu để sử dụng hàng loạt rộng rãi nên có thể bình xét như một dạng thiết kế đại chúng.

Người vẽ tranh cổ động không có nhiều lựa chọn vì chủ đề, nội dung, các mẫu mô típ sáng tạo đã quá phổ thông và lỗi thời nên khó có lựa chọn khác. Các họa sĩ trước đây vẽ tranh cổ động thì cũng toàn học các hình tượng từ tranh affiche (áp phích) của Liên Xô và Trung Quốc.

Ông Vũ Minh Đức, đại diện ban tổ chức cuộc thi - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, khẳng định tuy đây chỉ là cuộc thi với quy mô cấp ngành, giải thưởng chỉ mang tính biểu trưng, nhưng được tổ chức một cách nghiêm túc, quy chế chặt chẽ về bản quyền tác giả. Ban giám khảo là những nhà chuyên môn có uy tín như Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm Vi Kiến Thành, phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn…

Giải đặc biệt bị "tố" sao chép tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động Hữu nghị Việt Nam- Lào- Campuchia

Giải đặc biệt bị "tố" sao chép tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động Hữu nghị Việt Nam- Lào- Campuchia

Trong quá trình đăng công khai 90 tác phẩm này trên trang Facebook của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ban tổ chức đã nhận được một số phản hồi về các bức tranh vi phạm bản quyền nên đã loại bỏ khỏi vòng trưng bày.

Theo ông Vi Kiến Thành, sau trưng bày một tháng không thấy những ý kiến phản hồi về chuyện bản quyền, ban tổ chức mới chính thức xét trao giải.

"Cá nhân tôi nghĩ, tranh cổ động có những form chung, có tính ước lệ nên khá giống nhau. Vẫn có những người không nghiêm túc chấp hành quy chế của cuộc thi nhưng kết luận các bức tranh đoạt giải kia là đạo, nhái thì rất khó chính xác và có phần quy kết nặng nề".

Tuy nhiên, họa sĩ Bùi Trọng Dư lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Ông cho rằng, câu trả lời của các chuyên gia và ban tổ chức là không thỏa đáng. Ông nói, trong bất cứ một cuộc thi sáng tạo nào cũng cần phải công bằng và đảm bảo không vi phạm bản quyền. Tất cả các tác phẩm phẩm vi phạm bản quyền dù được giải hay không thì đều nhất thiết phải loại từ vòng đầu.

"Còn về ý kiến không nên đưa việc sáng tạo tranh cổ động là hình thức sáng tạo nghệ thuật thì thật phiến diện. Có những danh họa đã nổi tiếng chỉ sau một đêm với bức tranh affic, vậy tại sao lại đặt thể loại này ra khỏi hình thức sáng tạo nghệ thuật? Chính tranh affic đã làm nên tên tuổi của danh họa Toulou de lautec"

Cũng theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, ban tổ chức nói là thông qua dư luận đã loại những tác phẩm đạo nhái, sau đó không ai phản hồi thêm mới tiến hành trao giải càng khiến mọi người đặt câu hỏi lớn về năng lực chuyên môn của ban giám khảo.

Bảo Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/giai-nhat-cuoc-thi-sang-tac-tranh-co-dong-nganh-cong-doan-tiep-tuc-dinh-nghi-an-dao-nhai-20190718230425121.htm