Giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 06/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tham gia đối với nội dung chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề nghị cần có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: “Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, qua giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn”.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải.
Đồng thời, theo đại biểu, qua kết quả giám sát cho thấy, các tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong việc tiếp cận, trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường carbon trong nước thì chưa thành lập. Xin Bộ trưởng cho biết việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam và đã có hướng dẫn gì về việc trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Đặng Quốc Khánh cho biết, từ hệ thống thủy nông, giờ hệ thống này gánh thêm nhiệm vụ là xả thải cho nhiều tỉnh ở phía Bắc, mỗi ngày tiếp nhận 450-500 ngàn mét khối nước thải. Nguồn xả thải từ cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý ô nhiễm.
Vì vậy, vấn đề đại biểu nêu là hoàn toàn đúng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Bộ Công an thực hiện rất nghiêm các công việc kiểm tra các khu công nghiệp, vùng công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định. Mặt khác, Bộ cũng tiếp tục tăng cường công tác quan trắc hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, dùng các nguồn lực tiếp tục cố gắng xử lý tình trạng ô nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã làm việc và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền cần có một Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý các dòng sông chết. Hướng tới, cần có cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật; tăng cường quan trắc hệ thống Bắc Hưng Hải.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh liên quan đến tín chỉ carbon, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, hiện Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung này. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo ban hành các nghị định liên quan đến quản lý và liên quan đến thực hiện phát thải ròng và nguyên tắc, nguyên lý công bằng đối với tiếp cận toàn cầu. Thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu, với vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành sẽ hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm nội dung về tín hiệu carbon.
Theo chương trình làm việc, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng 06/11 đến hết sáng ngày 08/11. Phiên họp cũng có sự tham gia dự thính của các đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.