Giải pháp để thúc đẩy công nghiệp phát triển

Với định hướng từng bước chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, giảm tỉ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh, của huyện. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án trong cụm, khu công nghiệp cũng như thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

 Những sản phẩm từ làng nghề nông thôn Hải Lăng - Ảnh: P.V

Những sản phẩm từ làng nghề nông thôn Hải Lăng - Ảnh: P.V

Nhờ những nỗ lực vượt bậc, năm 2020 huyện Vĩnh Linh đã thu hút được nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đăng ký thuê đất vào các cụm công nghiệp, riêng tại Cụm công nghiệp Cửa Tùng có thêm nhiều doanh nhiệp đầu tư các nhà máy như sản xuất muối iốt, sản xuất, sửa chữa tàu thuyền composite, cửa nhựa lõi thép, may xuất khẩu. Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: Ngoài thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, huyện đã hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế và doanh nghiệp mở mang các cơ sản xuất công nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí, gò hàn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Ở huyện Cam Lộ, để khai thác tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động, huyện đã tập trung quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm Cam Thành, Cam Tuyền và Cam Hiếu với diện tích gần 150 ha. Đồng thời, đã đầu tư trên 36 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường công tác quảng bá, thực hiện các chính sách ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhờ vậy đến nay đã thu hút 41 dự án, tổng vốn đăng ký trên 1.463 tỉ đồng, trong đó có 21 dự án đã đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và khuyến công huyện Cam Lộ cho biết: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng do nhiều nguyên nhân, các doanh nghiệp hoạt động có nhiều khó khăn nên doanh thu, lợi nhuận thấp hơn năm 2019. Trong năm 2021 và những năm tới, chúng tôi sẽ tham mưu huyện tiếp tục ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: May, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng cơ bản từ nguyên liệu địa phương; sản xuất bia và nước ngọt; gia công đồ gỗ xuất khẩu từ gỗ rừng trồng; cơ khí, máy móc”.

Không chỉ ở Cam Lộ mà nhìn chung toàn tỉnh sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 và lũ lụt nên một số doanh nghiệp có máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu bị hư hỏng, không có các đơn hàng để sản xuất và sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã chủ động tham mưu tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, triển khai các dự án nhưng hiện tại mới có một số dự án khởi công và đi vào hoạt động, nguồn đóng góp cho ngân sách còn thấp. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị cho biết: Nhìn chung, sản xuất công nghiệp năm 2020 có bước phát triển nhưng tốc độ chậm, quy mô các cơ sở sản xuất còn nhỏ bé, các sản phẩm làm ra sức cạnh tranh thấp. Thu hút đầu tư về công nghiệp còn thiếu những sản phẩm có giá trị cao, mối liên hệ, tác động qua lại giữa khu, cụm công nghiệp, giữa các ngành công nghiệp với các ngành dịch vụ của tỉnh còn hạn chế. Chính vì vậy, năm 2021 nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tích cực triển khai các giải pháp để thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Theo đó, ngành chủ động tham mưu tỉnh tranh thủ các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng ở các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như dự án Nhiệt điện than BOT1, Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Quảng Trị có công suất 340 MW, dự án khí hóa lỏng LNG, đôn đốc tiến độ đầu tư các dự án đã khởi công trong dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, đem lại giá trị kinh tế lớn, sử dụng nhiều lao động và gắn với bảo vệ môi trường.

Đặc biệt chú trọng đến các ngành có tiềm năng, lợi thế như năng lượng tái tạo, chế biến gỗ và nông, lâm, thủy sản, công nghiệp siliccat, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, may mặc, giày da, lắp ráp điện, điện tử, điện lạnh. Cùng với đó, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ cấp phép để triển khai dự án và hòa lưới điện đối với 14 dự án điện gió với tổng công suất 569,2 MW đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đưa vào quy hoạch điện VII từ tháng 6/ 2020. Ngoài ra, hỗ trợ vốn khuyến công và khuyến khích công nghiệp nông thôn phát triển, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và xử lý môi trường ở các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp.

Bá Thuần

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154470