Giải pháp giảm áp lực cho cơ sở chạy thận nhân tạo tuyến Trung ương
Bệnh thận mạn hiện nay có xu hướng gia tăng được xem là một trong những thách thức lớn cho ngành y tế và sức khỏe cộng đồng.
Bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống, làm tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ tử vong hằng năm và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bệnh thận mạn gia tăng
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện tại Việt Nam đang có trên 30.000 bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo định kỳ và số lượng bệnh nhân có xu hướng ngày càng gia tăng. Các bệnh viện ở tuyến Trung ương, tuyến trên gần như đang quá tải, do số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ các tỉnh đổ về ngày càng nhiều.
Tại Tây Ninh, theo bác sĩ Đào Anh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hồng Hưng (Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), hiện nay số lượng bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo của tỉnh đã tăng gấp 4 lần so với năm 2015. Hiện tỉnh có 5 đơn vị lọc máu, công suất phục vụ khoảng 300 bệnh nhân/ngày. Hiện tại trên thế giới, bệnh thận mạn được xếp là loại bệnh có tỷ lệ tử vong cao thứ 12, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở người.
Là bệnh nhân có thâm niên chạy thận nhân tạo theo định kỳ, ông Phạm Tấn Hưng, sinh năm 1955, ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại thì mỗi tuần ông phải chạy thận 3 lần và thời gian mỗi lần chạy thận nhân tạo khoảng 4 giờ.
“Nói chung tôi và gia đình đã xác định đây là căn bệnh phải chữa trị đến cuối đời, vì nếu không chạy thận kịp thời thì người rất mệt mỏi, khó thở, nên định kỳ phải cố gắng chạy đúng thời gian quy định của bệnh viện. Việc chạy thận điều đặn thì cơ thể sẽ ổn định, ăn uống và sinh hoạt bình thường; sáng và chiều có thể vận động đi bộ hoặc thậm chí chạy bộ nhẹ được và thấy người khỏe hơn”, ông Phạm Tấn Hưng chia sẻ thêm.
Đang nằm chạy lọc thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hưng, ông Trần Hoàng Tú, sinh năm 1958, ngụ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh khá mệt mỏi cho biết, ông đã chạy lọc thận nhân tạo được hơn 2 năm, mỗi tuần phải lọc 3 lần và mỗi lần lọc phải mất 4 giờ, nên rất mất thời gian. Hi vọng trong tương lai không xa ngành y tế sẽ có công nghệ lọc thận nhân tạo tiên tiến hơn, rút ngắn được thời gian, cũng như giảm số lần lọc máu lại, thì bệnh nhân bệnh thận mạn sẽ cảm thấy thoải mái, sống tốt hơn.
Cải thiện chất lượng lọc thận
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Trung tâm thận niệu và lọc máu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ lọc máu tiên tiến HDF Online, sẽ đào thải được rất nhiều độc tố có trọng lượng từ trung bình đến lớn cho bệnh nhân bệnh thận mạn. Khi đào thải được các chất này thì chất cuộc sống của bệnh nhân sẽ tốt hơn rất nhiều so với công nghệ lọc thận nhân tạo thông thường; tỷ lệ nằm viện của bệnh nhân cũng sẽ giảm xuống và các chi phí khác như thuốc tăng hồng cầu, thuốc tăng huyết áp cũng giảm, giúp bệnh nhân tiết kiệm được nhiều chi phí điều trị bệnh.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian vừa qua, để giảm áp lực bệnh nhân về tuyến Trung ương chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng với các bệnh viện tuyến trung ương đã chuyển giao rất nhiều các công nghệ và kỹ thuật chạy thận nhân tạo về tuyến tỉnh và tuyến huyện, nhằm đảm bảo chất lượng điều trị chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân theo đúng quy trình của Bộ Y tế và người dân có thể an tâm chạy thận nhân tạo thường quy tại địa phương.
Ông Phạm Tấn Hưng cũng cho biết thêm, trước đó ông cũng cũng đã chạy thận nhân tạo tại nhiều bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, do số lượng bệnh nhân đông nên phải chờ đợi rất mất thời gian. Sau khi về quê vợ ở Tây Ninh, ông đến Bệnh viện Cao Văn Chí (nay là Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng), thấy chất lượng dịch vụ ở tỉnh cũng rất tốt, bác sĩ, y tá ân cần hơn nên đã dời nhà về Tây Ninh sinh sống, để thuận tiện cho việc chạy thận nhân tạo lâu dài.
Theo Bác sĩ Đào Anh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hồng Hưng thì hiện tại bệnh viện đã nâng công suất điều trị chạy thận nhân tạo từ 10 máy (năm 2015), lên 40 máy (có 2 máy ứng dụng công nghệ lọc máu HDF Online) và sắp tới sẽ bổ sung thêm 10 máy chạy thận nhân tạo, để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân ngày càng tăng ở Tây Ninh, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện ở tuyến trên.