Giải pháp ích nước lợi nhà nông

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), trong đó có đề xuất 2 phương án thời gian miễn thuế, trong 5 năm hoặc 10 năm tới.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp ở nước ta nói chung và Bình Phước nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc với những gam màu sáng, nhưng thiếu bền vững. Nguyên nhân là do việc tổ chức sản xuất, kinh doanh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ; thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp ở nông thôn gặp nhiều khó khăn; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn chậm, thiếu gắn kết giữa các khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm; hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất còn nhiều hạn chế…

Mặc dù cấp có thẩm quyền và ngành chức năng vẫn đang cân nhắc chọn một trong 2 phương án, nhưng phải khẳng định, dù chọn phương án nào thì cũng là giải pháp tích cực, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Theo đánh giá của ngành chức năng, sau 15 năm thực hiện chính sách miễn giảm thuế SDĐNN đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và mang lại một diện mạo mới cho nông thôn. Chính vì vậy, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN sẽ là nguồn hỗ trợ trực tiếp hiệu quả, giúp doanh nghiệp, nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây còn là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; là động lực cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Trong khi hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, với quy mô hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN sẽ là một trong những giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả.

Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với hộ gia đình, cá nhân cũng như với tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng cần có cơ chế phù hợp, bảo đảm thống nhất, hợp lý để khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vì số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Thực tế nêu trên cho thấy, chủ trương miễn thuế SDĐNN không chỉ được đông đảo người dân và doanh nghiệp đón nhận mà còn khẳng định, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp và khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/159902/giai-phap-ich-nuoc-loi-nha-nong