Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian qua, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Theo đó, ngày 31/5/2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12 về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020; ngày 23/5/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12 trước đó; ngày 20/7/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11 về việc bãi bỏ một số điều của Nghị quyết số 12 năm 2013 và Nghị quyết số 09 năm 2017; ngày 9/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 114 về việc kéo dài thời gian áp dụng chính sách quy định tại Nghị quyết số 12 năm 2013 và Nghị quyết số 09 năm 2017 của HĐND tỉnh.

 Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 đạt 10 bác sĩ/1 vạn dân - Ảnh: N.V

Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 đạt 10 bác sĩ/1 vạn dân - Ảnh: N.V

Căn cứ các nghị quyết trên, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 840 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đi đào tạo sau đại học (theo mục tiêu của nghị quyết là 787 người). Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử đi đào tạo sau đại học theo chính sách của tỉnh 34 người; cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao 69 người; tuyển dụng theo hình thức thu hút 79 người; công chức, viên chức tự túc kinh phí tham gia đào tạo sau đại học 658 người. Tổng kinh phí hỗ trợ CBCCVC đi học gần 6 tỉ đồng.

Đối với đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học, UBND tỉnh cử 40 học sinh vừa tốt nghiệp THPT đi đào tạo, cử 51 viên chức đi đào tạo bác sĩ liên thông. Đến nay, đã có 32 người đã tốt nghiệp, trong đó, có 24 bác sĩ đa khoa, 3 bác sĩ y học dự phòng, 5 bác sĩ y học cổ truyền. Tổng số bác sĩ, dược sĩ đại học được thu hút, đào tạo theo chính sách của tỉnh 219 người, đạt 62,57% so với mục tiêu của nghị quyết đề ra. Tổng kinh phí hỗ trợ đi đào tạo hơn 12 tỉ đồng.

Chính sách đãi ngộ được áp dụng đối với bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học trở lên đang công tác tại tuyến điều trị và dự phòng là 637 người, trong đó bác sĩ, dược sĩ tuyến xã, phường, thị trấn 138 người; tuyến huyện 186 người; tuyến tỉnh 313 người với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 18,5 tỉ đồng. Chính sách thu hút bằng hình thức tuyển thẳng 298 người, trong đó, công chức 62 người, viên chức 235 người với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,7 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ CBCC nữ trong các cơ quan hành chính đi đào tạo với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.

Đối với chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh khác về công tác tại tỉnh không thu hút được trường hợp nào. Việc cử cán bộ trẻ đi đào tạo bài bản, có trình độ nghiệp vụ giỏi để tạo nguồn được 60 người, trong đó công chức 37 người, viên chức 23 người, đạt 12% so với nghị quyết đề ra.

Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Quang Chiến cho biết, sau 9 năm triển khai thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút tạo nguồn nhân lực có chất lượng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2021, số lượng CBCCVC có trình độ sau đại học tăng lên rõ rệt, chiếm tỉ lệ 7,36% trong tổng số CBCCVC toàn tỉnh, tăng 840 người so với năm 2012 và đạt 105% so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Chính sách đãi ngộ đối với viên chức y tế cơ sở đã thực sự động viên, khích lệ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ trên địa bàn tỉnh yên tâm công tác, tiếp tục phục vụ, cống hiến lâu dài tại địa phương, qua đó tạo động lực cho ngành y tế tỉnh phát triển. Với các điều kiện, tiêu chuẩn khá chặt chẽ, yêu cầu cao, tỉnh đã thu hút được một lượng lớn sinh viên giỏi có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ là con em địa phương để bổ sung cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, tạo chuyển biến về chất lượng đối với đội ngũ CBCCVC trong tỉnh. Chính sách đối với cán bộ, công chức nữ đã góp phần tạo điều kiện cho CBCCVC nữ được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng tỉ lệ cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý trong cơ quan, đơn vị, từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.

Việc HĐND tỉnh phải ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này trong khoảng thời gian 9 năm trở lại đây theo ông Ngô Quang Chiến là do trung ương thường xuyên có những thay đổi quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nên HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới phù hợp hơn. Việc chưa thu hút được cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh khác về công tác tại tỉnh là do mức đãi ngộ còn thấp, điều kiện tự nhiên và kinh tế- xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Ví dụ như Nghị quyết số 12 năm 2013 của HĐND tỉnh quy định tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II thu hút về tỉnh công tác được hỗ trợ 80 lần hệ số 1 mức lương tối thiểu.

Về chính sách thu hút, hỗ trợ, đãi ngộ đối với viên chức y tế vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, đến nay tỉ lệ bác sĩ, dược sĩ công tác tại tuyến cơ sở còn thấp, do đó sẽ khó đạt được mục tiêu 10 bác sĩ/1 vạn dân đến năm 2025 như Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh, Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng đề án tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo nhân lực của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026.

Mục đích của nghị quyết đưa ra những chế độ hỗ trợ tốt hơn nhằm tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng thu hút, giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng cao, nguồn nhân lực thuộc các ngành mà tỉnh còn thiếu người làm việc, đặc biệt, nguồn nhân lực cho ngành y tế. Mức hỗ trợ cao nhất của chính sách này lên đến 500 triệu đồng đối với người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, 400 triệu đồng đối với người có học vị tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II…

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163332&title=giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc