Giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính
Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt 80,7 điểm, đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2018 tăng 4 điểm, tăng 1 bậc. Tính theo chỉ số thành phần gồm điểm tự chấm và điểm điều tra xã hội học (Điều tra lãnh đạo quản lý và sự hài lòng của người dân, tổ chức) có 5/9 chỉ số tăng điểm so với năm 2018... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt 80,7 điểm, đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2018 tăng 4 điểm, tăng 1 bậc. Tính theo chỉ số thành phần gồm điểm tự chấm và điểm điều tra xã hội học (Điều tra lãnh đạo quản lý và sự hài lòng của người dân, tổ chức) có 5/9 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 7,5/8,5 điểm, tăng 22 bậc; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 12,74/14 điểm, tăng 21 bậc; xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,68/14 điểm, tăng 27 bậc; tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội đạt 5/6 điểm, tăng 46 bậc; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,89/10 điểm, tăng 2 bậc. Tuy nhiên, có 4/9 chỉ số thành phần giảm bậc so với năm 2018 gồm: Tác động CCHC đến người dân, tổ chức đạt 7,57/10 điểm, giảm 46 bậc; hiện đại hóa hành chính đạt 9,98/13 điểm, giảm 28 bậc; cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 8,88/12 điểm, giảm 13 bậc; cải cách tài chính công đạt 8,44/12,5 điểm, giảm 7 bậc.
Theo Sở Nội vụ, phân tích kết quả các chỉ số thành phần cho thấy bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận, công tác CCHC của tỉnh còn những bất cập, cần chú trọng cải thiện. Nguyên nhân khiến công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính chưa đảm bảo được theo yêu cầu của Bộ Nội vụ về tính hợp lý giữa số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý: tất cả cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện đều có phòng có số lãnh đạo, quản lý nhiều hơn hoặc bằng số lượng chuyên viên (đạt 0,5/1,5 điểm). Qua kiểm tra, thanh tra việc các sở, ngành thực hiện các nội dung được phân cấp tại Nghị quyết 21/2016/NQ-CP (Sở Nội vụ quản lý lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức; Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý lĩnh vực đầu tư; Sở Tài chính quản lý lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, sở hữu Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý lĩnh vực đất đai) còn tồn tại hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sau thanh kiểm tra cung cấp chưa cụ thể, rõ ràng nên Hội đồng thẩm định của Bộ Nội vụ không đủ căn cứ để cho điểm (đạt 0/1 điểm). Công tác cải cách tổ chức bộ máy bị sụt điểm do việc giải quyết các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách chưa hoàn thành, mới đạt 86%. Một số văn bản về công tác quản lý và sử dụng tài sản công chưa được ban hành như: quy định danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình; quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc thẩm quyền quản lý, do khối lượng công việc rất lớn, nên cần nhiều thời gian để sửa đổi, bổ sung, rà soát, ban hành văn bản mới cho phù hợp, đúng quy định (được 0,5/2 điểm). Tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp so với năm 2015 đạt 59%, tuy nhiên không có tài liệu kiểm chứng để chứng minh nên không đạt điểm (0/1 điểm). Công tác hiện đại hóa hành chính bị sụt điểm do Cổng dịch vụ công của tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 8-2018 mang lại nhiều tiện ích cho người dân và tổ chức nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh tỉnh đang sử dụng đúng tên phần mềm, phiên bản, nhà cung cấp theo giấy chứng nhận. Chưa hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích thấp (59/531 đạt 11,11%), tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích thấp (82.000/865.000 hồ sơ, đạt 9,48%). Việc thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001) của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện vẫn còn 11 cơ quan chưa bao phủ 100% TTHC (các sở, ban, ngành: Tư pháp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thanh tra và UBND các huyện Hải Hậu, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản). Kết quả tác động của CCHC đến người dân, tổ chức sụt giảm sâu do phương thức tiếp cận thông tin, TTHC của người dân và tổ chức còn rất hạn chế, chủ yếu qua công chức tại bộ phận “một cửa”, việc phụ thuộc vào công chức dễ làm người dân và tổ chức gặp phiền hà, thông tin nhận được có thể không đầy đủ hoặc không chính xác nếu công chức quá bận rộn hoặc năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp còn hạn chế. Việc tiếp cận thông tin qua internet mới đạt 10,78%-13,74%, còn rất thấp so với mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nói riêng chưa mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân. Người dân và tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc: điển hình là lĩnh vực đất đai người dân phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ. Vẫn còn tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân, chiếm 0,63%, Công chức gợi ý nộp tiền ngoài phí/lệ phí chiếm 0,42%. Hồ sơ TTHC bị trễ hẹn phần lớn không thông báo đến người dân và tổ chức (72,73%). Việc xin lỗi người dân và tổ chức vì trễ hẹn trong giải quyết TTHC còn rất hạn chế (86,36%)...
Nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số CCHC năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, giữ vững vị thế, không ngừng phát huy mặt mạnh của các tiêu chí có điểm và thứ hạng cao; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì và đơn vị có liên quan để tập trung khắc phục, nâng điểm các tiêu chí bị sụt giảm và có thứ hạng thấp. Trong đó, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đảm bảo các điều kiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng kiểm soát thủ tục hành chính và quản lý bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Sở Nội vụ chủ trì đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong các cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm số lượng lãnh đạo cấp phòng (tập trung vào số lượng phó trưởng phòng) trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện; rà soát, quy hoạch lãnh đạo để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo, đảm bảo số lượng lãnh đạo không nhiều hơn số nhân viên; có kế hoạch cụ thể trong việc giảm số lượng lãnh đạo cấp phòng; xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn 100% về trình độ chuyên môn. Sở Tài chính chủ trì thực hiện nghiêm các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách; tham mưu để UBND tỉnh Nam Định ban hành các quy định về quản lý tài sản công theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì nâng cao chất lượng của các cổng, trang thông tin điện tử của các đơn vị, phát huy cao vai trò tương tác của người dân, tổ chức với các cơ quan Nhà nước thông qua chuyên mục “Hỏi, Đáp”, “Góp ý”; khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tổ chức tuyên truyền để người dân biết khai thác thông tin và tiện ích từ nhiều nguồn, kênh khác nhau, nhất là qua mạng lưới internet, phát huy được hiệu quả của chính quyền điện tử đến người dân và tổ chức; tổ chức tuyên truyền, linh hoạt trong việc vận động người dân sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích để đỡ tốn thời gian, công sức khi thực hiện TTHC. Theo các nội dung được phân cấp tại Nghị quyết 21/2016/NQ-CP các cơ quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để phát hiện các yếu kém, sai phạm, từ đó đưa ra các giải pháp để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy