Giải pháp nào bảo đảm an toàn giao thông đường sắt?

Năm 2024, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 109 vụ, làm chết 75 người, bị thương 25 người.

So với cùng kỳ năm 2023, tăng 17 vụ, tăng 3 người chết, tăng 3 người bị thương. Những vụ tai nạn đường sắt liên tục xảy ra là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt cũng như ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

4 năm mới giảm được gần 26% lối đi tự mở

Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tính trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm xảy ra khoảng 190 vụ TNGT đường sắt, làm 82 người chết, 120 người bị thương, làm hư hỏng gần 90 ôtô, xe máy các loại. TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại lối đi tự mở (chiếm 55%), số vụ TNGT đường sắt xảy ra dọc hai bên hành lang ATGT đường sắt chiếm 40% và 5% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp. Tai nạn đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh đã được cảnh báo từ lâu. Dù vậy, việc khắc phục lại khá chậm dù thực tế ngành đường sắt đã xóa bỏ được hàng trăm điểm giao cắt với lối đi dân sinh tự phát.

Hiện trường một vụ TNGT đường sắt.

Hiện trường một vụ TNGT đường sắt.

Báo cáo mới nhất vừa được Bộ GTVT gửi tới các đại biểu Quốc hội cho thấy, cả nước có 4.649 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó đường ngang có 1.502 vị trí, chiếm tỉ lệ 32,3% tổng số giao cắt; đường ngang có người gác là 674; đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động là 736; đường ngang phòng vệ biển báo là 83 vị trí… Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương đã sửa chữa, bổ sung lắp đặt biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang: 1.595/2.978 biển; xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt là 740/1.365 vị trí (chiếm 54,2%).

Với lối đi tự mở, hiện cả nước có 3.147 vị trí, chiếm tỉ lệ 67,7% tổng số giao cắt. Hơn 9 tháng qua, các đơn vị đã giảm, xóa bỏ 181 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm so với thời điểm giữa tháng 12/2023 (đạt 5,4%). Lũy kế 4 năm đã giảm, xóa bỏ 1.019 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm so với thời điểm 15/12/2020 (đạt 25,9%). Ngoài các lối đi tự mở, thống kê của Bộ GTVT cũng cho thấy, trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen. Cụ thể ở Km 8 + 042 (TT Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội); Km 81 + 487 (TT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định); Km 109 + 350 (Yên Bằng, Ý Yên, Nam Định); Km 266 + 180 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đồng thời còn có 1.010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt, giảm 77 điểm so với thời điểm tháng 12/2023.

Mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở khó hoàn thành

Hiện cả nước có 7 tuyến đường sắt chính đi qua 34 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.143km (trong đó, 2.632km đường chính tuyến, 403km đường ga, 108km đường nhánh). Riêng tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có chiều dài 1.727km, chiếm hơn 65% đường sắt chính tuyến trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam. Nhằm lập lại trật tự ATGT đường sắt, ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg "Phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt". Theo đó, đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, phấn đấu giảm 5-10% số vụ TNGT đường sắt mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngành đường sắt Việt Nam vẫn đang đau đầu với con số hơn 3.000 đường dân sinh tự mở mà chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết năm 2024. Có thể nói mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt là rất khó, có thể không hoàn thành.

Theo các chuyên gia về ATGT, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc đóng các đoạn dân sinh tự mở nguy hiểm. Về mặt lâu dài, ở các đoạn giao cắt, cơ quan chức năng có thể xây cầu vượt đường bộ. Tuy nhiên, giải pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích phải đủ rộng, đủ chiều dài và kinh phí khá tốn kém. Do đó, để đảm bảo ATGT đường sắt, các địa phương có thể phối hợp, đặt camera phạt nguội, có dữ liệu để đưa ra biện pháp tăng cường an toàn tốt hơn nữa.

Trước các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra, Cục CSGT (Bộ Công an) đã chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt, xử lý nghiêm hành vi không chấp hành các quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi là nguyên nhân gây TNGT đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm như vượt qua đường ngang khi đèn đỏ bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu…

Bộ GTVT cũng cho hay, trong những tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự điều hành của Chính phủ, UBND các cấp và sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu giao thông, vận tải dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT. Nhằm đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục kiềm chế, kéo giảm TNGT theo các chỉ tiêu thống kê TNGT. Đồng thời, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với các tổ chức, cá nhân; tăng cường công tác chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về ATGT, trong đó đa dạng hóa các loại hình thông tin, tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đo quét, đánh giá trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả…

Hơn 179.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh

Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Theo đó, tuyến đường sắt này có điểm đầu là Ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc) và điểm cuối là Ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép-Hạ Long). Tổng chiều dài tuyến khoảng 427km bao gồm 41 ga trên tuyến. Tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ước tính tổng nhu cầu vốn của tuyến đường sắt này là 179.126 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 23.448 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 107.260 tỷ đồng; phần còn lại là chi phí tư vấn, quản lý dự án và dự phòng.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/giai-phap-nao-bao-dam-an-toan-giao-thong-duong-sat--i747767/