Giải pháp phát triển kinh tế vùng biển Triệu Phong

Huyện Triệu Phong có 3 xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An là vùng ven biển với diện tích tự nhiên 35,98 km2 , có chiều dài bờ biển 18 km, ngư trường rộng với nhiều loại hải sản quý, giá trị kinh tế cao; có cửa lạch, cảng cá, bến cá; dân số hơn 12.000 người, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động.

 Cầu Bắc Phước đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã Triệu Phước, Triệu Phong

Cầu Bắc Phước đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã Triệu Phước, Triệu Phong

Khi tỉnh Quảng Trị được lập lại 1/7/1989 và huyện Triệu Phong được lập lại sau khi chia tách ra từ huyện Triệu Hải ngày 1/5/1990, toàn huyện có trên 3.000 ha đất cát bạc màu chưa được khai thác, việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, ven bờ. Do đó, để khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng biển và ven biển, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong đưa ra nhiều giải pháp để quy hoạch hệ sinh thái, bố trí lại dân cư, hình thành hệ thống giao thông, thủy lợi và huy động nguồn lực từ nhiều phía, kể cả nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ để phát triển. Riêng đối với phát triển ngư nghiệp, huyện bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VII, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với mục tiêu phát triển kinh tế vùng biển thông qua thu hút các nguồn vốn đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, đóng mới tàu đánh bắt thủy sản có công suất lớn để tăng năng lực đánh bắt xa bờ và dài ngày... Nhờ đó, đến năm 2000, ngư dân Triệu Phong đã đóng được nhiều tàu thuyền, nâng tổng công suất tàu thuyền đánh cá lên 8.164 CV, tăng 1.089 CV so với năm 1995. Thời điểm này, trung bình mỗi năm ngư dân Triệu Phong đánh bắt được khoảng 2.000 tấn hải sản, trong đó hải sản xuất khẩu 300- 400 tấn.

Mặt khác, với diện tích đất ven biển còn nhiều nhưng chưa được khai thác sử dụng, huyện đẩy mạnh công tác quy hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; khôi phục nghề chế biến hải sản truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến năm 1997, Huyện ủy Triệu Phong ban hành Nghị quyết số 05 về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng biển đến năm 2020 và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho lĩnh vực ngư nghiệp mở ra hướng đi mới trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, về đánh bắt hải sản, đối với vùng lạch Cửa Việt, huyện hỗ trợ, khuyến khích ngư dân mua sắm tàu thuyền có công suất lớn, trang bị thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, dài ngày, đồng thời có những chính sách giảm các loại thuế đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Mở rộng phát triển các hình thức hợp tác trong đánh bắt thủy sản của ngư dân, qua đó vận động thành lập hợp tác xã đánh bắt thủy sản với quy mô nhỏ khoảng 15- 20 lao động để khai thác thủy sản có hiệu quả hơn. Đối với vùng bãi ngang, huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có điều kiện mua sắm tàu thuyền lớn để đánh bắt hải sản. Trong quá trình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương yêu cầu ngư dân quan tâm đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt môi trường, môi sinh. Mỗi xã hình thành một làng cá. Tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên kết vốn, kĩ thuật và tiêu thụ sản phẩm để quá trình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, mới đây các xã vùng biển của huyện Triệu Phong được Chính phủ quy hoạch vào Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, tạo cơ hội lớn cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh của huyện. Theo đó, huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo các xã vùng ven biển tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội. Hiện toàn huyện có hơn 500 chiếc tàu, thuyền đánh bắt hải sản, trong đó công suất 90 CV trở lên có 20 chiếc, từ 45 CV đến dưới 90 CV có hơn 40 chiếc… Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt trên 3.000 tấn.

Để hỗ trợ nhau khai thác an toàn, hiệu quả thủy sản trên biển, các xã vùng biển đã thành lập 14 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, xóm với 80 thành viên, 10 tổ tàu thuyền an toàn với 380 tàu thuyền, 952 thuyền viên tham gia bảo vệ biên giới quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, với lợi thế về nuôi trồng thủy sản, các địa phương đã phát triển mở rộng diện tích ao nuôi lên hơn 300 ha, sản lượng đạt được hơn 1.000 tấn/năm. Cùng với phát triển nuôi trồng thủy sản, hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp mở cơ sở chế biến thủy sản, bước đầu xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm như nước mắm, ruốc, cá hấp.

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả vùng biển, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Phong khóa XIX ban hành Nghị quyết số 05 “Về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017- 2020”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, huyện huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển vùng ven biển theo hướng CNH, HĐH, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Các địa phương ven biển sẽ giữ vững diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 752 ha; sản lượng lương thực có hạt 950 tấn. Quy mô đàn trâu, bò đạt 1.700- 1.800 con, đàn lợn 8.000- 9.000 con, đàn gia cầm 35.000- 40.000 con. Đảm bảo diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 400 ha, sản lượng 1.600- 1.800 tấn, sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt 4.200- 4.300 tấn, sản lượng chế biến chiếm 35- 40% sản lượng khai thác. Xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ trên 400 CV từ 7- 10 chiếc, tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV đến dưới 400 CV 35- 40 chiếc. Tạo việc làm mới cho 1.000- 1.200 lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35- 40 triệu đồng/năm.

Để đạt được kết quả đó, huyện Triệu Phong tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo nghề cho lao động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch tổng thể, chi tiết điểm công nghiệp, làng nghề, khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng. Quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven biển của huyện gắn với quy hoạch chung phát triển Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông- thủy sản, khoáng sản, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ phục vụ đánh bắt, khai thác hải sản. Phối hợp, liên kết đào tạo một số nghề cho lao động vùng biển để đón đầu các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các ngành, nghề có lợi thế của vùng biển. Lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển… để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng biển của huyện.

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140315