Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sau sáp nhập ở xã Triệu Thành

Đảng bộ xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong được thành lập ngày 14/2/2020 trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Triệu Đông và Đảng bộ xã Triệu Thành, gồm 13 chi bộ trực thuộc với 316 đảng viên. Sau sáp nhập, xã Triệu Thành có diện tích 8,46 km2 , dân số 8.067 người.

 Xã đoàn Triệu Thành tích cực phòng, chống COVID-19. Ảnh: NV

Xã đoàn Triệu Thành tích cực phòng, chống COVID-19. Ảnh: NV

Thời gian qua, nền kinh tế của xã phát triển mạnh, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 11,49%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 53,1 triệu đồng, tăng 28,1 triệu đồng so với năm 2015. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của xã. Mới đây, Đại hội Đảng bộ xã Triệu Thành lần thứ I, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định, nền kinh tế của xã tăng trưởng chưa vững chắc, chưa xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn khó khăn, chưa tích tụ được ruộng đất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chủ yếu nhỏ lẻ. Các hợp tác xã nông nghiệp vẫn hoạt động mang tính thuần túy. Việc liên doanh, liên kết sản xuất giữa nhà nông với doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và dân sinh, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Còn khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện hương ước làng văn hóa, gia đình văn hóa, nhất là ở thôn mới sáp nhập. Trong giáo dục gặp khó khăn vì sau sáp nhập xã các trường học, có nhiều điểm trường trong một bậc học...

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành Lê Cảnh Tường cho biết: Đại hội Đảng bộ xã Triệu Thành, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định cần phải phát huy tốt nội lực, tranh thủ tốt ngoại lực và triển khai có hiệu quả nguồn đầu tư của các cấp; tiếp tục duy trì giữ vững và phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung ưu tiên phát triển CN-TTCN, TM-DV; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng TM-DV… Theo đó, từ nay đến năm 2025, xã phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 13- 14%, trong đó nông nghiệp tăng 4- 5%, công nghiệp- xây dựng tăng 16- 17%, TM-DV tăng 15- 16%. Tỉ trọng giá trị sản xuất các ngành nông- ngư nghiệp 20,29%, công nghiệp- xây dựng 28,89%, TM-DV 50,82%. Lao động trong lĩnh vực nông- ngư nghiệp dưới 35%, lao động trong công nghiệp- xây dựng, TM-DV trên 65%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 80- 85 triệu đồng/ người/năm. Duy trì trường chuẩn quốc gia cả 3 cấp học. Giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, hộ cận nghèo giảm từ 2- 3% hằng năm…

Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền xã đã có kế hoạch đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế theo vùng; tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh liên kết hóa, doanh nghiệp hóa trong tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tích cực chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, từng bước xây dựng “nền nông nghiệp sạch”. Sử dụng diện tích đất nông nghiệp linh hoạt theo hướng chuyên canh, luân canh, phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất. Làm tốt công tác giống, thủy lợi, bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật và đưa giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất để thay thế các giống cây dài ngày năng suất thấp, chất lượng kém, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu. Tập trung tái đàn, khôi phục tổng đàn chăn nuôi. Khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và chăn nuôi trang trại, đồng thời quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Đối với thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã tiếp tục duy trì vững chắc 19 tiêu chí đã đạt được. Tăng cường vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, chỉnh trang khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh ở địa bàn các thôn.

Về phát triển CN-TTCN, TM-DV, du lịch, xã sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng cơ sở sản xuất hiện có như bánh kẹo, nem chả, sửa chữa cơ khí, xay xát, sản xuất vật liệu xây dựng, cưa xẻ gỗ, mộc, nề, xây dựng…giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, trang bị máy móc, đầu tư thêm vốn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, tăng sản lượng đầu ra, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Sử dụng quỹ đất dọc các trục đường để quy hoạch phát triển CN- TTCN - TM - DV.

Khuyến khích phát triển mở rộng TTCN- TMDV để khai thác lợi thế địa bàn ven thị xã Quảng Trị và các chợ trong và ngoài địa phương. Duy trì và phát triển khu du lịch Lễ hội Chợ Đình Bích La, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và các lễ hội khác trên địa bàn xã. Tập trung nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Huy động nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, bậc học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa...

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=149758