Giải pháp quản lý, vận hành chống quá tải điện trong mùa nắng nóng

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời một số khu vực trong tỉnh lên đến 41 độ C làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Bên cạnh đó việc sử dụng điện sản xuất, kinh doanh cũng có biến động nên công suất tiêu thụ điện toàn tỉnh Quảng Trị tăng cao, cá biệt có ngày công suất cực đại đạt 143,3 MW, tăng 15,92% so với cùng kỳ năm 2020.

 Sửa chữa điện nóng, kịp thời cung ứng điện cho khách hàng trong mùa nắng nóng - Ảnh: H.N.K

Sửa chữa điện nóng, kịp thời cung ứng điện cho khách hàng trong mùa nắng nóng - Ảnh: H.N.K

Thực tế cho thấy do thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho phụ tải các trạm biến áp (TBA) tăng cao, tại các điểm tiếp xúc đầu cực, nhánh rẽ có nguy cơ bị phát nhiệt, đứt lèo gây ra sự cố mất điện. Mới đây, trong khi kiểm tra đột xuất đường dây hạ thế 0,4kV sau TBA Long Hà, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tổ công tác của Điện lực Gio Linh đã phát hiện có hiện tượng phát nhiệt tiếp xúc tại vị trí 1-XT1 do nhiệt độ tăng cao quá mức. Trong điều kiện xuất tuyến lưới điện hạ áp sau TBA Long Hà đang phục vụ cấp điện cho người dân hấp cá biển, nếu không có điện thì không hấp được cá để phơi kịp lúc trời nắng. Vì thế vào thời điểm giữa trưa nắng nóng 40 độ C nhưng Điện lực Gio Linh đã gấp rút chuẩn bị vật tư và các phương án xử lý để khắc phục nhanh sự cố, ngăn ngừa xảy ra sự cố lưới điện hạ thế, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn. Mùa nắng nóng là thời điểm hệ thống lưới điện thường xuyên xảy ra sự cố do phụ tải tăng đột biến, nhiệt độ tăng cao đột ngột và duy trì liên tục. Để nhanh chóng phát hiện, kịp thời khoanh vùng các sự cố, giảm thời gian mất điện, tăng độ tin cậy cung cấp điện, Điện lực Vĩnh Linh đã lập phương án lắp đặt 20 bộ hiển thị sự cố SRFI tại các xuất tuyến 22kV nhằm cải thiện năng lực giám sát, quản lý lưới điện, góp phần cung ứng điện ổn định, an toàn cho khách hàng trong mùa nắng nóng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng trên địa bàn huyện.

Bên cạnh thực hiện các biện pháp chống quá tải của các TBA để đảm bảo cung ứng điện của khách hàng trong mùa nắng nóng, Điện lực Đakrông đã liên tục kiểm tra đường dây và TBA phân phối thuộc địa bàn đơn vị quản lý. Giám đốc Điện lực Đakrông Mai Phương cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay đơn vị đã kiểm tra 1.977 vị trí trung áp và 758 vị trí hạ áp có 109 TBA phân phối và 47 TBA thuộc xuất tuyến 372. Việc kiểm tra định kỳ đường dây giúp Điện lực Đakrông thường xuyên nắm vững thực trạng đường dây, hành lang tuyến và những biến cố phát sinh cùng với kiểm tra tình trạng phát nhiệt của các mối nối, hiện tượng phóng điện, hồ quang trên các cột vượt và kiểm tra khi gặp thời tiết bất thường. Ngoài ra, đơn vị còn tập trung chỉnh trang hệ thống đo đếm, thay dây trước công tơ và hộp bảo vệ công tơ hư hỏng trên địa bàn do đơn vị quản lý nhằm hoàn thiện kết cấu lưới điện hạ áp khu vực Đakrông, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, cấp điện liên tục và an toàn cho người sử dụng nhằm đạt mục tiêu quản lý và vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, phục vụ khách hàng trong mùa nắng nóng.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài gây nguy cơ quá tải lưới điện phân phối, PC Quảng Trịđã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hànhtăng cường công tác kiểm tra nhiệt độ các điểm tiếp xúc trên lưới điện; đầu cáp ngầm trong nhà và ngoài trời; các vị trí lèo; đấu nối thiết bị; aptomat và cáp hạ thế các TBA quan trọng, có mức độ mang tải lớn... Thường xuyên giám sát tình hình mang tải của các TBA công cộng trên lưới thông qua công tác đo tải, dữ liệu từ hệ thống DSPM, Rf-Spider. Qua đó tăng cường chế độ kiểm tra, theo dõi đối với các TBA này và các các đầu cáp ngầm…bằng camera nhiệt, đo tải. Từ các kết quả kiểm tra, công ty thực hiện các phương án xử lý kịp thời như san tải, luân chuyển, điều chỉnh hệ số aptomat đảm bảo tải TBA... Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, phát quang, vệ sinh các vị trí cột xuất tuyến, cáp ngầm, mương cáp ngầm sau các TBA 110kV, trạm cắt, các trạm phụ tải sản lượng lớn; tại các đoạn đường dây đi qua khu vực có nhiều thực bì và lập phương án xử lý, ngăn ngừa sự cố cháy nổ. Huy động tối đa nhân lực để xử lý kịp thời sự cố, đảm bảo vật tư dự phòng tối thiểu với phương châm xử lý sự cố nhanh nhất.

Trong lúc ứng phó với điều kiện thời tiết nắng nóng, con người phải sử dụng nhiều phương tiện làm mát như quạt gió, quạt hơi nước, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt thì nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao hơn so với bình thường. Khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ vào những giờ cao điểm trong ngày, trong tuần đòi hỏi ngành điện phải chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo cấp điện liên tục và ổn định, an toàn. Theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-70% tổng số lượng điện năng tiêu thụ. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện khi bật điều hòa chỉ nên đặt ở mức 26 độ C-28 độ C và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ. Đặc biệt trong tình hình diễn biến COVID-19 phức tạp như hiện nay, các cơ quan y tế cũng khuyến cáo hạn chế dùng điều hòa, thay vào đó cần mở cửa sổ, tăng cường sử dụng quạt để lưu thông không khí.

Giám đốc PC Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cho biết, để chủ động ứng phó với các tình huống bất thường của thời tiết nắng nóng kéo dài, PC Quảng Trị đã chủ động xây dựng phương án cấp điện trong mùa nắng nóng. Theo đó, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện khả năng tăng tải của các phụ tải. Tăng cường kiểm tra kỹ thuật để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống nóng lên của các TBA, điểm nối dây dẫn điện. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo nâng công suất các TBA và đường dây; có kế hoạch đầu tư đột xuất một số hạng mục không nằm trong kế hoạch đầu tư hằng năm như tăng công suất máy, kéo thêm dây để chống quá tải trong vận hành. Đồng thời khuyến cáo khách hàng sử dụng điện nên hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện vào giờ cao điểm, giúp giảm áp lực về cung cấp điện, tránh các nguy cơ không đáng có xảy ra đối với hệ thống điện và giảm chi phí sử dụng điện cho gia đình. Đối với điện sử dụng trong sản xuất, kinh doanh cần bố trí lại thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm để tránh quá tải và giảm chi phí. Qua đó cùng với ngành điện giảm thiểu những sự cố có thể xảy ra do quá tải trong quản lý, vận hành lưới điện.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158858&title=giai-phap-quan-ly-van-hanh-chong-qua-tai-dien-trong-mua-nang-nong