Giải pháp tăng sức cạnh tranh ngành mía đường

Niên vụ mía đường 2018-2019 là niên vụ thứ ba liên tiếp ngành mía đường chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu, giá cả, thị trường... dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh giảm sút. Vượt qua khó khăn, doanh nghiệp và người trồng mía đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, giá đường kính trắng liên tục giảm sâu từ 16.000 đồng/kg xuống còn 11.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm xuống còn 10.400 đồng/kg. Đường sản xuất ra tiêu thụ rất chậm, lượng đường tồn kho có thời điểm lên đến hàng chục nghìn tấn. Giá đường kính trắng giảm mạnh, khó tiêu thụ, buộc công ty phải đàm phán điều chỉnh giảm, giãn thời gian thanh toán tiền thu mua mía nguyên liệu.

Niên vụ 2018-2019 vừa qua, giá mía nguyên liệu được điều chỉnh giảm từ 900 đồng/kg xuống còn 800 đồng/kg. Cũng do trồng mía nguyên liệu không đạt yêu cầu, dẫn đến tình trạng phế canh lớn. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 3.000 ha mía nguyên liệu bị phá bỏ, vùng nguyên liệu của 2 nhà máy từ 8.200 ha cuối năm 2018, đến nay xuống còn 4.500 ha. Sản xuất mía đường liên tục sụt giảm như hiện nay không những ảnh hưởng ngành nông nghiệp mà còn tác động rất xấu đến mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, cụ thể là giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Mô hình trồng mía “3 giảm, 3 tăng” ở thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên)vẫn được duy trì và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, các chuyên gia, nhà quản lý, cả những người trồng mía có thâm niên đều chung ý kiến cho rằng, giải pháp duy nhất để vực dậy và tăng sức cạnh tranh cho ngành mía đường hiện nay là phải giảm giá thành sản phẩm, trọng tâm là giảm giá thành, tăng năng suất trong sản xuất mía nguyên liệu, nâng cao chất lượng giống, giảm lao động thủ công, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển...

Những hộ sản xuất mía điển hình đã chia sẻ cách thức giảm chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo lợi nhuận trong trồng mía. Ông Lê Thanh Nghị, Trưởng thôn Quang Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) cho biết, 13 ha mía nguyên liệu vẫn được người dân duy trì gần chục năm nay, cây mía vẫn là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính. Niên vụ 2018-2019 vừa qua, gia đình ông có 1,1 ha thu được 100 tấn, trừ chi phí đầu tư, công lao động mỗi vụ mía ông thu lãi trên 50 triệu đồng. Theo ông Nghị, muốn mía năng suất cao, chất lượng tốt phải đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh kịp thời. Đặc biệt là tăng cường bón phân hữu cơ giúp cho mía sinh trưởng phát triển tốt, cứng cây ít đổ gãy, giảm chi phí mua phân đạm.

Ông Ngô Văn Quang, một trong những hộ trồng mía lớn nhất thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đã thành công mô hình thâm canh “3 giảm, 3 tăng”. Đó là giảm chi phí giống, giảm thuốc trừ sâu, giảm phân đạm, tăng cường cường chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh hại đã giúp gia đình ông Quang giữ vững được lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha trong lúc giá mía nguyên liệu sụt giảm. Ông Quang chia sẻ, trước đây do chưa nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, mía trồng được 3 năm đã bị thoái hóa buộc phải phá bỏ để trồng lại. Để mía trẻ lâu, sau mỗi vụ thu hoạch, ông Quang cày lọng 2 bên luống để đất tơi xốp và làm đứt rễ cũ, đồng thời tập trung bón thúc phân chuồng cho rễ phát triển. Với biện pháp này, mía trẻ lâu, giảm được rất nhiều chi phí trong đầu tư làm đất, mua giống trồng lại mía.

Cán bộ Phòng nguyên liệu Nhà máy đường Tuyên Quang kiểm tra diện tích mía tại xã Bình Xa (Hàm Yên).

Cán bộ Phòng nguyên liệu Nhà máy đường Tuyên Quang kiểm tra diện tích mía tại xã Bình Xa (Hàm Yên).

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người trồng mía thực hiện các mô hình cánh đồng mía lớn, hiệu quả; phát triển tổ dịch vụ mía đường. Thực hiện đầu tư thâm canh đồng bộ, toàn diện để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu, giảm tổn thất sau thu hoạch, trọng tâm là khép kín quy trình sản xuất, đầu tư hiệu quả, góp phần giảm chi phí, tổn thất nâng cao chất lượng mía nguyên liệu, tăng thu nhập của người trồng mía và doanh nghiệp. Hiện tại, sở đang hỗ trợ các địa phương duy trì và triển khai 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, với 307 ha.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nhấn mạnh, công ty tiếp tục đưa máy móc, thiết bị hỗ trợ người trồng mía làm đất, thu hoạch và vận chuyển nguyên liệu. Đồng thời, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất đường, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hoàn thiện đầu tư tổ hợp sản xuất chế biến cơ bản đường - điện - phân.

Những giải pháp thâm canh, tăng năng suất sẽ giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho ngành mía đường.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/giai-phap-tang-suc-canh-tranh-nganh-mia-duong-122876.html