Giải pháp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường

PTĐT - Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời; đây chính là tiền đề quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và ngành Điện tiếp tục triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời...

Hệ thống ĐMTMN lắp đặt tại Trường Mầm non xã Yển Khê, huyện Thanh Ba.

Hệ thống ĐMTMN lắp đặt tại Trường Mầm non xã Yển Khê, huyện Thanh Ba.

PTĐT - Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời; đây chính là tiền đề quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và ngành Điện tiếp tục triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMTMN, qua thực tế sử dụng đã khẳng định hiệu quả, mang lại lợi ích “kép”, vừa bảo đảm an ninh năng lượng vừa có lợi ích kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Lợi ích “kép”

Có mặt tại Trạm dừng nghỉ Tuấn Tú, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, chúng tôi được ông Vũ Lộc - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Phát triển công nghệ Tài nguyên xanh cho biết: “Chúng tôi hợp đồng thuê lại mái trạm dừng nghỉ của Công ty TNHH Tuấn Tú để lắp đặt 560 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích hơn 1.000m2 mái nhà với công suất 250kWp cung cấp điện cho hoạt động của trạm và bán lại lượng điện dư cho ngành Điện. Hiện nay, trong thời tiết cuối năm, nắng ít, hệ thống điện năng lượng mặt trời cấp trên 500kWh/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động cho trạm. Bước đầu chúng tôi đã bán lại cho ngành Điện được hơn 5.000kWh dư thừa. Nếu mùa hè, hệ thống ĐMTMN của Công ty sẽ cung cấp trên 1.000kWh/ngày… Thời gian tới, Công ty dự kiến tiếp tục nâng công suất thêm 250kWp nữa”.
Mặc dù phải mua điện từ các nguồn ĐMT với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, ngành Điện đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phát triển ĐMTMN. Ngày 6/4/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam, trong đó Nhà nước hỗ trợ phát triển, ký hợp đồng mua điện lâu dài đến 20 năm với giá 1.943 đồng/kWh. Không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và vùng, việc sử dụng hệ thống ĐMT, ĐMTMN còn góp phần không nhỏ nâng cao lợi ích kinh tế cho người sử dụng khi giá bán điện của khách hàng cao hơn giá mua. Ưu điểm của ĐMT là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, không bị cạn kiệt, rất hiệu quả trong việc giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải. Trong khi đó, ĐMTMN có tính chất phân tán, được tiêu thụ tại chỗ nhờ tận dụng được diện tích mặt bằng có sẵn. Việc phát triển ĐMTMN là một trong những giải pháp cực kỳ hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, chi phí vận hành và bảo trì thấp. Đặc biệt, việc phát triển ĐMTMN không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, huy động, khuyến khích được các thành phần trong xã hội tham gia vào đầu tư cung ứng điện. Ông Phạm Ngọc Hồng - chủ hộ lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Năm 2018, gia đình tôi lắp hệ thống điện mặt trời với công suất 5kWp, tổng chi phí hết 75 triệu đồng. Sau khi đăng ký, có cán bộ ngành điện đến khảo sát, hướng dẫn lắp đặt hệ thống đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, nghiệm thu, lắp đặt công tơ 2 chiều và đưa vào sử dụng. Đến nay, hệ thống mang lại lợi ích “kép”, nghĩa là nếu như trước đây gia đình tôi chi phí tiền điện 1 - 1,2 triệu đồng/tháng, thì nay nhà tôi vừa không mất tiền điện và còn được một khoản tiền tương đương từ tiền bán lượng điện thừa cho ngành Điện. Ngoài ra, một lợi ích rõ ràng khi lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà là khả năng cách nhiệt và bảo vệ ngôi nhà khỏi các yếu tố thời tiết, như nắng, mưa, tia bức xạ... Những tấm pin năng lượng này có thể hấp thụ nhiệt, bức xạ độc hại, giúp căn nhà mát mẻ hơn, tiết kiệm chi phí điện năng tiêu thụ của thiết bị làm mát trong mùa nóng”.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Điện lực Phú Thọ, Điện lực huyện Lâm Thao hướng dẫn đơn vị tiếp nhận về các thông số và cách vận hành hệ thống ĐMTMN.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Điện lực Phú Thọ, Điện lực huyện Lâm Thao hướng dẫn đơn vị tiếp nhận về các thông số và cách vận hành hệ thống ĐMTMN.

Để khuyến khích nhân rộng

Có thể nói, việc phát triển ĐMTMN đã góp phần sử dụng năng lượng tái tạo sạch và an toàn. Nắm bắt được lợi ích của việc sử dụng ĐMTMN, vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư ĐMTMN và xem đây là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, giảm tải cho nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 183 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất 1.355,9kWp, trong đó có 160 khách hàng sinh hoạt đã lắp đặt với công suất 964,9kWp, 23 khách hàng ngoài sinh hoạt lắp đặt 391kWp. Sản lượng điện dư thừa phát lên lưới lũy kế đạt 352.988 kWh. Công ty Điện lực Phú Thọ và các đơn vị, chi nhánh điện đã và đang hỗ trợ tối đa các yêu cầu về lắp đặt ĐMTMN của người dân, doanh nghiệp, các nhà hàng khách sạn… trên địa bàn; các thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện.
Theo đánh giá, các hệ thống ĐMTMN tại gia đình trên địa bàn tỉnh được chia làm 3 loại, gồm sử dụng độc lập, hòa lưới hoặc hỗn hợp. Trong đó, hệ thống độc lập thường đi kèm với ắc quy dự trữ để sử dụng vào ban đêm, khi mất điện lưới hay khi ánh sáng yếu. Hệ thống ĐMTMN hòa lưới trực tiếp không cần ắc quy, khi điện năng từ hệ thống ĐMTMN sinh ra không dùng hết sẽ được đẩy lên lưới và bán ngược cho ngành Điện, chính vì sự ưu việt mà hình thức này được nhiều người lựa chọn. Hệ thống ĐMTMN hỗn hợp là sự kết hợp của 2 hệ thống trên, có giá thành cao, đấu nối phức tạp.Ông Phạm Văn Chúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Phát triển hệ thống ĐMTMN hiện đang được Chính phủ hết sức quan tâm và khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư sử dụng với nhiều chính sách ưu đãi cụ thể. Thực tế cho thấy, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN cũng như những chính sách mới về giá mua, bán điện đã tác động tích cực đến tâm lý khách hàng sử dụng điện bởi vừa bảo đảm an ninh năng lượng vừa mang lại lợi ích kinh tế. Căn cứ Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT, khuyến khích, hướng dẫn bên mua điện, bên bán điện lập hợp đồng mua bán điện trên cơ sở hợp đồng mẫu được Bộ Công thương ban hành. Sử dụng ĐMTMN không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư, hiệu quả cho các địa phương trong thời điểm hiện nay. Đi cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống năng lượng mặt trời đang dần phổ biến trong vài năm trở lại đây. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng này. Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…”.Được biết, để khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng loại hình năng lượng tái tạo và phát triển ĐMTMN, ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg về sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT. Theo đó, thay vì hộ đầu tư ĐMTMN chỉ bán phần dư của điện từ nguồn ĐMTMN qua cơ chế bù trừ thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ ĐMTMN với giá ưu đãi, trong khi vẫn mua riêng điện từ điện lưới với giá bình quân 1.720 đồng/kWh qua điện kế 2 chiều được ngành Điện lắp miễn phí.Để việc sử dụng ĐMTMN phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án ĐMT, chỉ đạo ngành Điện tăng cường tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của ĐMTMN, khuyến khích các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu sử dụng chủ yếu điện vào ban ngày, lắp đặt, sử dụng ĐMTMN. Việc đưa vào sử dụng các hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới điện giúp tiết kiệm chi phí tiền điện tiêu thụ hàng tháng, giảm hiệu ứng nhà kính, giảm áp lực cung ứng nguồn cho ngành Điện hạn chế quá tải mùa nắng nóng, góp phần lan tỏa đến cộng đồng về ý nghĩa của việc sử dụng nguồn điện từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202101/giai-phap-tiet-kiem-chi-phi-va-bao-ve-moi-truong-174746