Giải pháp xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

Sau đại dịch Covid-19 nhu cầu toàn cầu tăng cao, tuy nhiên cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng hơn những vấn đề sẵn có như thời tiết khắc nghiệt, giá năng lượng tăng cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng,… gây căng thẳng và áp lực lớn cho thị trường thực phẩm. Những điều này cộng lại đã khiến tỷ lệ lạm phát lương thực tăng đột biến và đẩy hàng triệu người đứng trước nguy cơ nạn đói.

Tìm kiếm “hành lang xanh”

Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Sau khi cuộc xung đột nổ ra, việc Ukraine ngừng xuất khẩu đã đẩy chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) trong tháng 3 lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này được tổng hợp vào năm 1990. Tại châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng thực phẩm đã tăng mạnh ở tất cả các nền kinh tế lớn, trong khi tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng hơn 14 điểm phần trăm kể từ tháng 1.2020. Trong khi đó, ở các thị trường đang phát triển và mới nổi, tình hình thậm chí khó khăn hơn, minh chứng rõ nhất là Lebanon, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, trong đó hầu hết lúa mì từ Ukraine, đã chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 3 nghìn điểm phần trăm kể từ năm 2020. Với việc giá lương thực tăng vọt, ngày càng có nhiều quốc gia sản xuất chủ chốt hạn chế xuất khẩu để ổn định giá cả và bảo vệ thị trường trong nước. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), hơn 20 quốc gia trên thế giới đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu thực phẩm, trong đó có giấy phép xuất khẩu và thuế cũng như các lệnh cấm hoàn toàn.

Trước tình trạng khủng hoảng lương thực, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi một hành động nhanh chóng và kiên quyết trên quy mô toàn cầu nhằm thiết lập một "hành lang xanh" cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đồng thời bảo đảm nguồn cung lương thực. Ông nhấn mạnh rằng, tổ chức này đang tham gia vào một cuộc đối thoại được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, với tất cả các bên liên quan để tìm ra một thỏa thuận toàn diện cho phép Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn, mà không làm suy yếu an ninh của đất nước thông qua biển Đen, cũng như để thế giới có thể tiếp cận mà không bị cản trở đối với phân bón và thực phẩm của Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Senegal Marky Sall - dẫn đầu một phái đoàn Liên minh châu Phi tới Nga nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên cũng như thảo luận về tình trạng thiếu lương thực do chiến sự ở Ukraine. Tổng thống Marky Sall nhấn mạnh những thách thức về an ninh lương thực mà châu Phi đang phải đối mặt, đồng thời bày tỏ tin tưởng Người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề này. Ông Marky Sall cho biết, mặc dù ở rất xa khu vực xung đột, nhưng châu Phi lại là một trong những khu vực chịu tác động mạnh nhất, do nền kinh tế của khu vực này không thể thích ứng được với những biến động hiện nay khi cuộc khủng hoảng dẫn đến việc Ukraine không thể xuất khẩu, trong khi Nga lại phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Thách thức trong vận chuyển đường bộ và đường sắt

Trong tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động một nhiệm vụ để giúp Ukraine vận chuyển lương thực bằng đường bộ và đường sắt thay vì qua các cảng Odessa và Mariupol ở biển Đen, vì 2 cảng biển này là nơi vận chuyển 90% hàng hóa xuất khẩu của Kiev, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Song, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine cũng thừa nhận rằng, không có cách nào để xuất khẩu khối lượng nông sản khổng lồ đã thu hoạch của Ukraine ra thế giới ngoài việc mở một hành lang hàng hải qua biển Đen. Kế hoạch của EU được gọi là “con đường đoàn kết”, tập trung vào việc tìm nguồn cung ứng phương tiện từ lĩnh vực tư nhân, xây dựng thêm kho chứa ngũ cốc bên trong EU và thúc giục các nước tiếp giáp Ukraine như Ba Lan và Romania nới lỏng kiểm tra biên giới. Tuy nhiên, những nỗ lực do EU điều phối hiện nay vẫn chưa đủ để giải phóng ra thế giới khối lương thực khổng lồ đang kẹt lại Ukraine.

Chủ tịch Hiệp hội ngũ cốc Ukraine Mykola Gorbachov cho rằng, các tuyến đường bộ không thể nào thay thế các tàu chở ngũ cốc qua đường biển, đặc biệt là biển Đen. Cho dù ngũ cốc Ukraine có thể vận chuyển bằng tàu hỏa hay bằng xe tải thay vì đường biển, kế hoạch này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như mất nhiều thời gian do thủ tục hành chính rườm rà ở biên giới và thiếu phương tiện vận chuyển. Trong khi đó, Chủ tịch Công ty Đường sắt thuộc sở hữu nhà nước Ukraine Oleksandr Kamyshin cho biết, trước đây hàng triệu tấn ngũ cốc được vận chuyển trên các tuyến tàu hàng từ khu vực phía Bắc và phía Tây tới các cảng biển ở phía Nam, sau đó xuất khẩu qua đường biển Đen, nhưng điều đó hiện không còn khả thi nữa, vì vậy công ty của ông đang phải sử dụng các tuyến vận chuyển hàng hóa thay thế trên bộ đến Ba Lan và Romania. Điều này cũng đặt ra một thách thức vì Ukraine sử dụng đường sắt khổ rộng trong khi EU sử dụng đường ray khổ hẹp. Hàng hóa sẽ phải chuyển sang các đoàn tàu khác ở biên giới.

Ngoài những thách thức kỹ thuật, kiểm soát biên giới cũng là một vấn đề. Các nhà chức trách có thể đưa hàng triệu hành khách qua biên giới nhưng việc thông quan hàng hóa lại phức tạp hơn, cho dù đây là loại hàng hóa quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế của Ukraine mà còn đối với các quốc gia đang thiếu lương thực trên thế giới. Hiện nay, Ukraine có 28.000 toa xe chở ngũ cốc sẵn sàng đi tới EU, nhưng cần có các thỏa thuận để bảo đảm các toa xe này có thể đi qua biên giới mà không gặp phải vấn đề gì. EC ước tính các toa xe đang phải chờ trung bình 16 ngày ở biên giới Ukraine - EU, ở một số điểm biên giới thời gian chờ có thể kéo dài 1 tháng. Hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm đang từ chối bảo hiểm cho các xe tải của EU trên lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, nhiều tài xế Ukraine cũng không có hộ chiếu, do đó họ buộc phải vận chuyển hàng hóa đến biên giới và xếp hàng hóa của họ lên các xe tải của EU để đi tiếp và điều này lại kéo theo những thách thức khác.

Biển Đen - giải pháp khả thi nhất

Ukraine đã cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trừ khi Nga dỡ bỏ phong tỏa cảng biển Đen, vì hành lang vận chuyển đường biển thực sự là cách nhanh chóng duy nhất để giải phóng khối ngũ cốc khổng lồ của nước này. Về mặt kỹ thuật, châu Âu chưa sẵn sàng tiếp nhận số ngũ cốc này, đó là lý do tại sao giải pháp duy nhất để tiếp tục cung cấp cho toàn thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi, là mở một hành lang đường biển. Bộ trưởng cơ sở hạ tầng của Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, để xây dựng các tuyến xuất khẩu thay thế có thể sẽ mất nhiều năm. Ví dụ, việc chuyển đổi một tuyến đường sắt sang tiêu chuẩn của EU sẽ tốn từ 2 - 3 tỷ USD, cùng nhiều khoản đầu tư cần thiết khác để mở rộng năng lực tại các cửa khẩu biên giới.

Trước tình trạng tắc nghẽn hàng hóa từ Ukraine và ảnh hưởng của việc này không hề nhỏ đối với tình hình an ninh lương thực thế giới, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã rất cởi mở về vấn đề này và khẳng định có một số cách để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hoặc thông qua cảng Odessa ở biển Đen. Mặc dù, các cảng của biển Azov - Berdyansk, Mariupol nằm trong tầm kiểm soát của Nga, nhưng ông Vladimir Putin khẳng định sẽ sẵn sàng bảo đảm việc xuất khẩu không gặp rắc rối, bao gồm cả ngũ cốc của Ukraine, thông qua các cảng này. Bên cạnh đó, Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua sông Danube và qua Romania, và đơn giản nhất là xuất khẩu qua lãnh thổ Belarus vì từ đó di chuyển trực tiếp đến các cảng của các nước Baltic, đến biển Baltic với chi phí cũng được đánh giá là khả quan nhất.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/giai-phap-xuat-khau-ngu-coc-cua-ukraine-i291655/