Giải quyết án hành chính của TAND hai cấp TP. Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực
'Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, hoạt động giải quyết và xét xử các vụ án hành chính của TAND hai cấp TP. Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân', Thẩm phán Trần Thị Phương Hiền, Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết.
Theo Chánh án Trần Thị Phương Hiền, quy định mới về thẩm quyền giải quyết án hành chính đã khắc phục được tình trạng nể nang của TAND cấp huyện trong việc phải giải quyết những vụ án mà người bị kiện là Chủ tịch UBND hoặc UBND cấp huyện. Tuy nhiên, quy định này cũng làm gia tăng số lượng án hành chính của TAND TP. Hà Nội, gây áp lực lớn đến việc giải quyết vụ án hành chính.
Để giải quyết vấn đề này, TAND TP. Hà Nội đã biệt phái Thẩm phán trung cấp là Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp huyện để giao giải quyết án hành chính thuộc thẩm quyền của TAND thành phố.
Một số khó khăn vướng mắc trong giải quyết án hành chính
Quá trình giải quyết án, các Thẩm phán được phân công đã tích cực, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng thực tế, công tác giải quyết án hành chính biệt phái cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như:
Thẩm phán trung cấp là Lãnh đạo Tòa án cấp huyện được Chánh án TAND TP. Hà Nội phân công biệt phái giải quyết 2 loại án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là Dân sự sơ thẩm và Hành chính sơ thẩm nhưng cũng trực tiếp xét xử các loại án khác thuộc thẩm quyền cấp huyện của đơn vị, tham gia các cuộc họp tại địa phương; giải quyết khiếu nại tố cáo nên không dành nhiều thời gian cho việc giải quyết các vụ án được biệt phái.
Một số Thẩm phán giải quyết án hành chính biệt phái ở một số Tòa án cấp huyện có sự luân chuyển điều động Lãnh đạo đến các đơn vị khác cần có thời gian tiếp cận, ổn định tổ chức, bộ máy hoạt động tại đơn vị mới, tiếp cận con người, công việc mới; đồng thời, nhận bàn giao lại án hành chính biệt phái của thẩm phán luân chuyển đi nên không có nhiều thời gian để có thể tiếp tục nghiên cứu hồ sơ.
Mặc dù đã rất tích cực tiến hành tố tụng để vụ án được đưa ra xét xử theo quy định nhưng do số lượng vụ án phải giải quyết của đơn vị quá nhiều trong đó có nhiều vụ án dân sự phức tạp nên tiến độ giải quyết án hành chính biệt phái còn chậm, quá thời gian chuẩn bị xét xử theo luật định.
Đa phần người khởi kiện trong các vụ án hành chính là nông dân bị thu hồi đất vào các dự án thương mại hoặc xã hội. Bản thân không còn tư liệu sản xuất, do chưa đồng ý với phương án bồi thường của cơ quan nhà nước nên đã khởi kiện đến Tòa án. Vì nhận thức pháp luật của người dân còn chưa cao, Thẩm phán phải mất nhiều thời gian giải thích, hướng dẫn cho người dân lý do hồ sơ khởi kiện hành chính của người khởi kiện nộp trên TAND TP. Hà Nội nhưng khi giải quyết lại là Thẩm phán trung cấp của TAND cấp huyện.
Sau khi đã hướng dẫn, giải thích một số người dân đã hiểu nhưng toàn bộ ý kiến, quan điểm, tài liệu chứng cứ người khởi kiện vẫn tiếp tục gửi lên trụ sở TAND TP. Hà Nội, từ đây Tòa án TP. Hà Nội phải tiếp nhận và chuyển lại cho Tòa án cấp huyện nơi Thẩm phán trung cấp đang công tác. Việc chuyển đi, chuyển lại như vậy cũng làm cho việc giải quyết vụ án bị chậm trễ.
Tất cả các văn bản tố tụng cùa vụ án hành chính biệt phái đều phải được gửi lên Tòa án Hà Nội để đóng dấu. Mặc dù Tòa án Hà Nội đã cử cán bộ phụ trách làm “đầu mối” để tạo thuận lợi cho thư ký các tòa quận, huyện liên hệ thực hiện đóng dấu văn bản và tống đạt.
Tuy nhiên việc tống đạt cũng mất nhiều thời gian từ việc gửi bưu điện văn bản cần tống đạt cho TAND TP. Hà Nội, sau đó TAND TP. Hà Nội gửi thừa phát lại, thừa phát lại gửi kết quả về TAND TP Hà Nội, TAND TP Hà Nội trả kết quả cho Tòa án cấp huyện. Do mất thời gian tống đạt nên các thẩm phán thường phải lên lịch làm việc trước cả tháng. Tòa án cấp huyện cũng thường không nhận được kết quả tống đạt ngay và không theo dõi được việc tống đạt có được hay không để có phương án thay đổi lịch làm việc. Khi đương sự vắng mặt, Tòa án buộc phải hoãn buổi làm việc do không biết đương sự không chấp hành việc triệu tập của tòa hay đương sự không nhận được giấy báo.
Người bị kiện, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là Chủ tịch và UBND các cấp thường ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng tại Tòa án hoặc có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt mà không ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Nhưng khi Tòa án triệu tập, đại diện ủy quyền vắng mặt không có lý do, hoặc có đơn xin vắng mặt. Thậm chí có vụ án Tòa án đã thông báo mở phiên họp đối thoại tại trụ sở Tòa án nơi có trụ sở của người bị kiện, nhưng người bị kiện vẫn vắng mặt khiến người khởi kiện bức xúc.
Mặc dù việc xin vắng mặt của họ không trái pháp luật, nhưng gây khó khăn trong việc hỏi, kiểm tra chứng cứ để làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ án và đối thoại giữa các bên. Việc chỉ tuân thủ quy định của pháp luật bằng việc gửi ý kiến bằng văn bản tới cơ quan tố tụng thay vì tham gia đối thoại trực tiếp với người dân khiến cho việc tổ chức được một phiên đối thoại và từ đó có kết quả đối thoại thành trong vụ án hành chính biệt phái là cực kỳ khó khăn. Vụ án luôn bị kéo dài thời gian giải quyết vì Tòa án phải lần lượt triệu tập lấy lời khai, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, tiến hành đủ hai lần đối thoại, hai lần triệu tập xét xử mới xét xử vắng mặt được.
Tình trạng chấp hành pháp luật của một số người bị kiện, người có quyền, nghĩa vụ liên quan chưa tốt cũng có nguyên nhân là do thẩm phán giải quyết án hành chính là thẩm phán biệt phái nên khi triệu tập đương sự là lãnh đạo cơ quan hành chính của huyện này đến trụ sở của TAND huyện khác để giải quyết án, chứ không phải đến trụ sở TAND thành phố nên tính quyền uy không cao.
TAND TP. Hà Nội đã triển khai phiên tòa hành chính trực tuyến, qua đó, hạn chế số lượng vụ án giải quyết vắng mặt người bị kiện. Tuy nhiên, TAND cấp huyện chưa có cơ sở vật chất, đường truyền, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để chủ động thực hiện phiên tòa hành chính trực tuyến mà phải liên hệ mượn phòng xét xử trực tuyến của TAND TP Hà Nội, nhưng TAND TP Hà Nội cũng chỉ có một phòng xét xử trực tuyến và nay mới có thêm một phòng xử trực tuyến của TAND quận Thanh Xuân, nên việc đưa vụ án hành chính ra xét xử trực tuyến của Tòa án cấp huyện gặp khó khăn, bị chậm trễ.
Trong các năm 2021 và 2022 tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid hết sức phức tạp. Thời gian giãn cách xã hội nhiều, các đương sự cũng bị hạn chế tiếp xúc do phòng chống dịch bệnh. Tòa án cũng phải tham gia vào phòng chống dịch nên thời gian cho công tác chuyên môn giảm, thời gian cho giải quyết các vụ án biệt phái cũng giảm theo...
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hành chính biệt phái
Theo Chánh án Trần Thị Phương Hiền, lãnh đạo cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chỉ đạo, quán triệt về việc tham gia tố tụng của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các cơ quan Nhà nước, Chủ tịch và UBND các cấp; cần có qui định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án và có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức.
TAND TP. Hà Nội phối hợp với thừa phát lại về việc gửi kết quả tống đạt cho TAND cấp huyện; thừa phát lại chủ động liên hệ với thư ký cấp huyện về những vấn đề phát sinh trong quá trình tống đạt văn bản tố tụng.
Các Thẩm phán trung cấp tại các tòa quận huyện là Chánh án, Phó Chánh án đơn vị, ngoài việc quản lý đơn vị, các Thẩm phán cũng tham gia công tác xét xử, giải quyết án của đơn vị. Ngoài việc nhận án hành chính biệt phái, các Thẩm phán trung cấp còn được giao án dân sự biệt phái, nên cần được tạo điều kiện giảm bớt về số lượng các vụ án biệt phái đối với các thẩm phán trung cấp ở quận, huyện.
TAND thành phố tạo điều kiện cho TAND cấp huyện đẩy nhanh triển khai hệ thống đường truyền, trang thiết bị phục vụ công tác xét xử, đối thoại trực tuyến tại cấp huyện.
TAND cấp huyện đề xuất TAND TP. Hà Nội phân công thêm Thư ký biệt phái để cộng tác với Thẩm phán trung cấp được giao giải quyết án hành chính biệt phái.
TAND nên tổ chức các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại tại trụ sở UBND. Biện pháp này sẽ giúp cho việc đối thoại trực tiếp giữa người dân và Chủ tịch UBND quận được thẳng thắn, nghiêm túc, giải đáp được những vướng mắc, bức xúc của người dân trong thời gian vừa qua. Từ đó, sẽ tác động tích cực đến việc giải quyết vụ án theo hướng đình chỉ do người khởi kiện rút đơn khởi kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Với các vụ án hành chính, đặc thù người bị kiện là các cơ quan công quyền vì vậy công lý không chỉ đơn giản là việc tuyên ai thắng, ai thua, mà quan trọng là tìm ra được phương án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng thực sự của hai bên, để cả hai bên cùng “thắng”. Nhà nước thực hiện được mục tiêu quản lý, từ đó ổn định tình hình chính trị tại địa phương, người dân cũng được đảm bảo về đời sống, an sinh xã hội. Để làm được điều đó thì bên cạnh việc giải quyết các vụ án theo thủ tục chung, Thẩm phán cần phải tích cực hơn nữa trong việc tiếp xúc, trao đổi, sắp xếp thời gian hợp lý để người bị kiện trong các vụ án hành chính có thể thực hiện việc tham gia tố tụng trực tiếp tại Tòa án khi có vụ việc xảy ra.
Tổ chức việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời, sâu sắc, tổ chức học hỏi những kinh nghiệm hay, những việc làm sáng tạo trong việc tổ chức đối thoại trong các đơn vị TAND để từ đó góp phần nâng cao chất lượng và số lượng các vụ, việc hòa giải, đối thoại thành công.
Cần nghiên cứu về việc: Không chỉ tổ chức các phiên tòa hành chính trực tuyến mà tiến tới việc tổ chức cả các phiên đối thoại trực tuyến để người bị kiện có điều kiện tham gia đối thoại với người dân từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong quá trình tiến hành các thủ tục đối thoại giúp quá trình giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án.