Giải quyết tình trạng ô nhiễm chăn nuôi trong khu dân cư

Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và cải thiện môi trường sống cho người dân, ngày 18/4/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Cán bộ thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn tuyên truyền, vận động hộ dân tiểu khu 19 di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

Cán bộ thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn tuyên truyền, vận động hộ dân tiểu khu 19 di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê số lượng, phân loại cơ sở chăn nuôi, xác định mức hỗ trợ; lập kế hoạch, dự trù kinh phí và phân kỳ chi trả tiền hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo đề xuất, khu vực không được phép chăn nuôi của 12 huyện, thành phố dự kiến có 4.850 cơ sở chăn nuôi thuộc 7 phường, 9 thị trấn và 3 khu dân cư thuộc trung tâm huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và Vân Hồ. Trong đó, 961 cơ sở chăn nuôi phải di dời; 3.739 cơ sở chăn nuôi chấm dứt hoạt động. Số lượng vật nuôi tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi gồm 9.267 con gia súc, trên 31.000 con gia cầm và 896 con vật nuôi khác. Phấn đấu đến cuối năm 2023, có 30% số cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động. Đến năm 2024, hoàn thành di dời, chấm dứt hoạt động cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi.

Sau hơn 4 tháng triển khai, chính quyền các địa phương và ngành chức năng tích cực vào cuộc. Các huyện, thành phố tuyên truyền, quán triệt Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan; tổ chức các cơ sở chăn nuôi ký cam kết, xây dựng phương án ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong thời gian quy định.

Gia đình ông Trịnh Hồng Minh, xóm 1, tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót từ lâu nay vẫn lấy nghề chăn nuôi lợn, nấu rượu là nguồn thu chính. Mỗi năm, gia đình nuôi 2-3 lứa lợn, thời gian cao điểm 60 con/lứa. Ông Minh cho biết: Được cán bộ thị trấn xuống phổ biến quy định cấm chăn nuôi trong khu dân cư, gia đình đã bán bớt số vật nuôi trong chuồng, ký cam kết đến cuối năm 2023 sẽ dừng việc chăn nuôi tại khu dân cư.

Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hát Lót, thông tin: Theo thống kê, thị trấn có 26 xóm thuộc 8 tiểu khu nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. Đến nay, 100% các hộ dân đã ký cam kết dừng chăn nuôi tại khu dân cư. Trong quá trình triển khai, địa phương đang gặp khó khăn đối với một số hộ dân, chăn nuôi gần như là nguồn thu nhập chính, nếu phải di dời, theo nguyện vọng của các hộ dân cần có một khu chăn nuôi tập trung để tiếp tục duy trì nghề chăn nuôi. Tuy nhiên, quỹ đất của thị trấn còn rất ít, không có khả năng bố trí nên phải xin ý kiến huyện.

Còn tại Thành phố Sơn La, địa phương có số khu vực phải di chuyển nhiều nhất tỉnh với 7 phường, 55 tổ, bản. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các phường rà soát, tổng hợp danh sách, thông báo đến từng hộ, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dừng hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Triển khai hỗ trợ đúng đối tượng đã được quy định tại nghị quyết, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch và thực hiện đảm bảo thời gian quy định. Qua đối thoại, đa phần các hộ dân đều đề nghị cần có thời gian để chuyển đổi nghề; đề nghị Nhà nước hỗ trợ bố trí khu vực chăn nuôi tập trung.

Việc chuyển cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường sống cho người dân, là việc làm cần thiết. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, để người dân đồng thuận cùng thực hiện đảm bảo lộ trình đề ra.

Nghị quyết 57/2023/NQ-HĐND ngày 18/4/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ 500 triệu đồng/cơ sở quy mô lớn từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên; 150 triệu đồng/cơ sở quy mô vừa từ 200 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi; 100 triệu đồng/cơ sở quy mô từ 100 đến dưới 200 đơn vị vật nuôi; 70 triệu đồng/cơ sở quy mô từ 30 đến dưới 100 đơn vị vật nuôi; 50 triệu đồng/cơ sở quy mô từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi; 10 triệu đồng/nông hộ quy mô dưới 10 đơn vị vật nuôi.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/moi-truong/giai-quyet-tinh-trang-o-nhiem-chan-nuoi-trong-khu-dan-cu-LKainRWSR.html