Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn từ mô hình kinh tế Hợp tác xã

PTĐT - Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, mô hình hợp tác xã (HTX) đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm mới và nâng cao vị thế cho phụ nữ nông thôn

PTĐT - Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, mô hình hợp tác xã (HTX) đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm mới và nâng cao vị thế cho phụ nữ nông thôn. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào HTX, các hội viên phụ nữ đã có cơ hội tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện thu nhập.

Hiện nay, số lao động nữ chiếm khoảng 60% tổng số lao động thường xuyên trong các HTX trên địa bàn tỉnh, tham gia vào các ngành, nghề như: làm nón lá, đan lát, trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia cầm, gia súc,... Góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn, tận dụng được thời gian nông nhàn, tạo ra thu nhập ổn định. Nhiều chị em phụ nữ từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.

HTX cây giống lâm nghiệp xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh mặc dù mới thành lập nhưng được đánh giá là mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ có hiệu quả. Hiện tại, HTX có 16 thành viên là phụ nữ, các hội viên đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ chăm sóc cây, đóng bầu, từ đó số lượng và chất lượng cây trồng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, khu 1, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh chia sẻ: Nghề ươm cây mặc dù không vất vả như các nghề khác, nhưng rất cần sự tỉ mỉ. Trước đây, do chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên chất lượng cây trồng chưa tốt, thường xuyên bị sâu bệnh, nhưng khi tham gia vào HTX, chúng tôi được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kĩ thuật phòng trừ sâu bệnh, nên cây sinh trưởng tốt, dự kiến năm nay doanh thu của gia đình sẽ cao gấp đôi năm ngoái.

Được thành lập từ năm 2016 trên cơ sở những gia đình làm mỳ gạo truyền thống của xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, HTX Mỳ gạo Hùng Lô đã tạo việc làm cho khoảng 15 phụ nữ tại địa phương với thu nhập ổn định từ 4- 4,5 triệu đồng/ người/ tháng. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, cách sử dụng công nhân của HTX cũng rất linh hoạt. Vào mùa vụ, người dân có thể nghỉ làm ở HTX để về làm việc đồng ruộng, sau đó có thể quay lại HTX làm việc. Với cách làm này, chị em phụ nữ vừa có việc làm gần nhà đem lại thu nhập ổn định, vừa có thời gian chăm lo việc gia đình. Anh Cao Đăng Duy, Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì cho biết: Đối với lao động nữ, không đủ sức khỏe, tuổi và thời gian đi lao động ở các công ty, thì có thể làm việc ngay tại HTX. Chúng tôi tổ chức sản xuất luân phiên để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên kết hợp được công việc với chăm sóc gia đình.

Mô hình HTX đã giải quyết việc làm hiệu quả cho phụ nữ nông thôn, tăng thu nhập cho phụ nữ. Mô hình phát triển kinh tế tập thể này còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống từ đó làm động lực chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202006/giai-quyet-viec-lam-cho-phu-nu-nong-thon-tu-mo-hinh-kinh-te-hop-tac-xa-171613