Giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

Xác định giải quyết việc làm (GQVL) cho người lao động là yếu tố quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nên thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề, GQVL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, chỉ tiêu hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra...

Gần 248.000 lao động được GQVL

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương. Sở LĐ,TB&XH luôn xác định công tác đào tạo nghề, GQVL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, Sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách về đào tạo nghề và GQVL cho người lao động. Hàng năm, Sở còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra công tác GQVL, vay vốn giải quyết việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Qua công tác kiểm tra, đã đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, rà soát, thống kê số liệu GQVL, tập trung giải ngân nguồn vốn vay GQVL làm theo kế hoạch tỉnh giao. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về việc làm chủ yếu lồng ghép vào các cuộc thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động, việc chấp hành các quy định Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm tại các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Qua thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về việc làm của người sử dụng lao động và người lao động.

Lao động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước.

Lao động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước.

Mặt khác, tình hình phát triển kinh tế, hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực, giúp người lao động có nhiều thông tin về việc làm, thu nhập tốt, phù hợp với chuyên môn, trình độ của người lao động. Công tác cho vay vốn GQVL được triển khai thực hiện kịp thời, các dự án cho vay đạt hiệu quả tốt, tạo chỗ việc làm mới cho người lao động... Với những nhiệm vụ, giải pháp tích cực, đồng bộ nêu trên, công tác đào tạo nghề, GQVL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, đạt kết quả khá tích cực, chỉ tiêu hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh đã GQVL cho gần 248.000 lao động, đạt 106,8% kế hoạch.

Tư vấn ngành nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tư vấn ngành nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động được quan tâm đổi mới về hình thức và nội dung, đã triển khai nhiều mô hình mới như: Phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở; ngày hội việc làm tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố và phiên giao dịch việc làm cho thanh niên, bộ đội xuất ngũ; kết hợp với các Trung tâm khu vực tổ chức các phiên giao dịch việc làm online... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 lao động được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động; khai thác 7.382 chỗ việc làm trống, đạt 127% so kế hoạch năm. Sở đã phối hợp tổ chức 21 Phiên giao dịch việc làm, thu hút 116 doanh nghiệp và 1.671 lao động tham dự, kết quả có 637 lao động được doanh nghiệp nhận hồ sơ. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để được lựa chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Đồng thời, cung cấp thông tin về lĩnh vực lao động, việc làm trong nước, ngoài nước và đào tạo nghề đến cho người lao động và người sử dụng lao động.

Cung ứng lao động đảm bảo số lượng và chất lượng

Theo Sở LĐ,TB&XH, hiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 8 cơ sở tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp với 1.092 giáo viên dạy nghề đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn theo quy định. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo theo quy mô và phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương. Các cơ sở đào tạo nghề đã có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, nhất là lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật.

Nhờ đó, số lao động qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm; trong đó nghề may công nghiệp, dịch vụ du lịch được doanh nghiệp tuyển dụng đạt trên 95%, số lao động đối với các nghề còn lại tự tạo việc làm cho bản thân và hộ gia đình đạt trên 80%. Bên cạnh đó, 10 năm qua, thông qua chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã thực hiện chính sách phát triển các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thu hút phát triển các dự án trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản… Nhờ đó đã GQVL cho gần 178.000 lao động, bình quân hàng năm có khoảng 17.800 lao động có việc làm ổn định.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở LĐ,TB&XH, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, đáng chú ý là công tác GQVL cho người học nghề sau tốt nghiệp còn hạn chế; lao động tham gia vào thị trường có thu nhập cao chưa nhiều. Số lao động được GQVL thông qua nguồn vốn vay GQVL chủ yếu là lao động phổ thông, tập trung vào các ngành nghề chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, GQVL; rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua việc mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Từ đó, có kế hoạch cung ứng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động, nhất là với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn.

Giai đoạn 2014 - 2024, toàn tỉnh GQVL cho gần 248.000 lao động, đạt 106,8% kế hoạch. Trong giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh đã GQVL cho hơn 146.000 lao động, đạt 101,44% kế hoạch. Riêng 9 tháng năm 2024, công tác GQVL và đào tạo nghề đạt kết quả khả quan, đạt và vượt so kế hoạch năm. Cụ thể, toàn tỉnh GQVL cho hơn 21.300 lao động, đạt 106,35% so kế hoạch năm và bằng 121,61% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, cho vay vốn GQVL cho 3.152 lao động, đạt 225,14% so kế hoạch năm...

KIM ANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giai-quyet-viec-lam-de-giam-ngheo-ben-vung-124542.html