Giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị

Sáng nay 27/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã có buổi làm việc với UBND huyện Vinh Linh, Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị và các sở ngành liên quan về giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị bị ảnh hưởng do dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kết luận buổi làm việc - Ảnh: L.A

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kết luận buổi làm việc - Ảnh: L.A

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh, thực hiện công tác GPMB để thực hiện dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện đã vận động Công ty Cổ phầm Lâm sản Quảng Trị tháo dỡ toàn bộ tài sản, di dời máy móc ra khỏi phạm vi GPMB, tuy nhiên công ty không bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án.

Sau nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng phía công ty không phối hợp, trong các ngày từ 24 – 25/10, UBND huyện Vĩnh Linh đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của công ty. Đến 15h00’, ngày 25/10 đã hoàn thành việc cưỡng chế và bàn giao 200 m cuối cùng thuộc tuyến chính cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thi công dự án. Việc cưỡng chế đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ, UBND huyện đã thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, do Công ty Cổ phần Lâm sản có các kiến nghị vượt thẩm quyền, cần có sự chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở ngành.

Cụ thể, về kinh phí di chuyển nhà máy sang sản xuất tạm trên phần đất còn lại, UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt phương án tháo dỡ, di dời để hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 309 triệu đồng. Toàn bộ tài sản tháo dỡ, di dời công ty đã sắp xếp, cất giữ không thể lắp đặt tại vị trí sản xuất tạm vì dây chuyền, thiết bị quá lớn so với thửa đất.

Thay vào đó, tại vị trí sản xuất tạm, Công ty Cổ phầm Lâm sản Quảng Trị đã đầu tư một dây chuyền sản xuất, sân bê tông, nhà xưởng và một số hạng mục phụ trợ với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỉ đồng. Do vậy, UBND huyện Vĩnh Linh đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành thống nhất cho chủ trương hỗ trợ 100% đối với các hạng mục mà công ty đã đầu tư.

Đối với phương án hoàn thiện hạ tầng tại vị trí xây dựng nhà máy mới, UBND huyện đã xây dựng phương án với tổng số tiền dự kiến khoảng 15 tỉ đồng và đề xuất UBND tỉnh đồng ý chủ trương hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Về kinh phí GPMB thửa đất dự kiến thu hồi bổ sung có diện tích 4.000 m2 để cho Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị thuê đất, UBND huyện đề xuất lấy sử dụng nguồn kinh phí dự án cao tốc để thực hiện bồi thường, hỗ trợ. Đồng thời, đề xuất các sở ngành hướng dẫn điều kiện hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc của người lao động của Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Vĩnh Linh cũng đề xuất tháo gỡ vướng mắc đối với 18 hộ phát sinh trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên tuyến cầu vượt Quốc lộ 9D, dự án thành phần đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ.

Cụ thể, có 3 trường hợp đất ở có nhà ở bị ảnh hưởng một phần và phần còn lại nằm trong hành lang an toàn đường bộ; 6 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ do cọc GPMB nằm sát nhà và quán kinh doanh, nhà ở cao, thấp hơn so với mặt đường khi hoàn thiện (đoạn tuyến trong đô thị không có hành lang an toàn giao thông); 9 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa GPMB vì lý do nhà ở cao hoặc thấp hơn so với cao độ thiết kế. Tổng số tiền đề nghị bồi thường, hỗ trợ đối với 18 hộ này là 21,5 tỉ đồng.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị và các sở ngành liên quan, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của huyện Vĩnh Linh và các sở ngành liên quan trong công tác GPMB để thực hiện dự án.

Đồng thời phê bình nghiêm khắc Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị chưa phối hợp tích cực với huyện Vĩnh Linh, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện hiện GPMB đối với phần diện tích của công ty.

Cơ bản thống nhất với các đề xuất của huyện Vĩnh Linh tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh hoàn thiện san gạt mặt bằng đảm bảo bằng phẳng đối với diện tích đã cấp cho công ty. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất, GPMB đối với diện tích UBND tỉnh cấp bổ sung.

Thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị sử dụng phần đất bên cạnh để sản xuất tạm. Yêu cầu huyện Vĩnh Linh tính toán chi trả phần kinh phí tháo dỡ, lắp đặt lại để công ty duy trì sản xuất.

Về kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạm, giao huyện Vĩnh Linh đánh giá cụ thể, chính xác trình UBND tỉnh phê duyệt. Lưu ý, huyện Vĩnh Linh phải tính toán cụ thể, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa địa phương, doanh nghiệp và phải đúng quy định pháp luật.

Đối với hỗ trợ người lao động, do đây là trường hợp bị gián đoạn do trong quá trình di dời nên theo quy định được hỗ trợ 6 tháng tiền lương. Do vậy, yêu cầu Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị khẩn trương lập dự toán trình UBND huyện thẩm định để có cơ sở chi trả.

Đối với vướng mắc của 18 hộ phát sinh, UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các sở ngành liên quan yêu cầu thực hiện ngay các thủ tục, phấn đấu đến cuối tháng 11/2024 sẽ hoàn thành để thực hiện công tác chi trả.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giai-quyet-vuong-mac-trong-cong-tac-giai-phong-mat-bang-doi-voi-cong-ty-co-phan-lam-san-quang-tri-189287.htm