GIẢI THƯỞNG TÔN ĐỨC THẮNG NĂM 2019: Đam mê nông nghiệp sạch
Nhiều năm nghiên cứu nông nghiệp, thạc sĩ Phạm Đình Dũng hiểu rằng để thoát nghèo, người nông dân phải được chuyển giao những thành quả nghiên cứu khoa học để ứng dụng và làm giàu trên chính mảnh đất của mình
Chịu trách nhiệm chính hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học và trực tiếp đứng lớp tập huấn cho bà con nông dân. Đó là công việc thường xuyên của thạc sĩ Phạm Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (AHRD), trực thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM.
Hạnh phúc khi được cống hiến
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Dũng. Suốt buổi trò chuyện, anh say sưa kể về những tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là việc ứng dụng kỹ thuật cao trong việc trồng trọt của bà con nông dân. "Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi không thể thay đổi bởi chỉ có nông nghiệp công nghệ cao mới giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, vừa giúp tiêu dùng sạch vừa giúp nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn ngay trên chính mảnh đất của mình" - anh Dũng chia sẻ.
Gần 170 công trình nghiên cứu khoa học chỉ trong 4 năm (từ 2014 đến 2018), chuyển giao hàng chục mô hình kinh tế nông nghiệp tiên tiến được đánh giá cao, trăn trở lớn nhất của anh Dũng và tập thể lao động AHRD là không chỉ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng mà có thể xuất khẩu được, mang lại giá trị cao. Theo anh Dũng, thổ nhưỡng khó thay đổi nhưng nếu biết ứng dụng công nghệ, chịu khó tìm tòi nghiên cứu thì những vùng đất khó khăn nhất vẫn có thể cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Chính vì vậy trong hơn 11 năm làm nghiên cứu, anh Dũng và cộng sự lặn lội đến tất cả những nơi được xem là vùng đất chết để giúp người dân hồi sinh mảnh đất cằn cỗi. Như một nông dân thực thụ, cùng với các cộng sự, anh dày công nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng khí hậu từng vùng đất để cho ra đời những sản phẩm mới, sau đó chuyển giao giống và công nghệ trồng trọt cho bà con. Nhìn nông sản thu hoạch được từ công trình nghiên cứu của mình, anh rất hạnh phúc, vui với niềm vui của nông dân.
Trong các công trình nghiên cứu mà anh Dũng và AHRD đã thực hiện thì quy trình kỹ thuật trồng thủy canh hồi lưu cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách theo hướng hữu cơ được anh Dũng khá tâm đắc. Theo anh, rau là thực phẩm không thể thiếu cho mọi bữa ăn hằng ngày và khi người tiêu dùng được sử dụng nguồn rau sạch, an toàn và bổ dưỡng thì đó là niềm hạnh phúc của những người làm nên quy trình sản xuất ra nó. Không chỉ người tiêu dùng được lợi, người trồng rau và cả doanh nghiệp kinh doanh cũng được lợi.
Tạo động lực sáng tạo cho nhân viên
Với vai trò giám đốc AHRD, anh Dũng cảm thấy mình may mắn khi được làm công việc yêu thích nhưng anh cho rằng mình chưa đóng góp được gì nhiều cho ngành. Chúng tôi hỏi bí quyết nào để anh liên tục cho ra lò những sáng kiến, cải tiến từ sự tiến bộ của khoa học, công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp, anh Dũng nói ngay chẳng có bí quyết nào cả, đó chỉ là đam mê. "Một khi đã đam mê thì chẳng gì cản bước được. Tôi may mắn khi được làm việc cùng với đội ngũ cộng sự nhiệt huyết, trẻ trung và sáng tạo. Đó là thành quả của cả một quá trình vất vả đào tạo chuyên môn, tạo động lực để anh em hết lòng với công việc" - anh Dũng cho biết.
Kỹ sư trẻ Tô Thị Thùy Trinh nói từ khi vào AHRD làm việc, chị đã được anh Dũng hướng dẫn nhiệt tình, từ chuyên môn đến kinh nghiệm sống. "Ở đây, những ai có đam mê nghiên cứu đều được anh Dũng tạo điều kiện cho học tập nâng cao, từ kỹ sư lên thạc sĩ hoặc cao hơn, học ở trong nước và cả nước ngoài. Nhờ được anh và các anh chị lãnh đạo trung tâm quan tâm về chuyên môn mà hiện trung tâm đa phần có trình độ chuyên môn cao, đủ sức nghiên cứu chuyên sâu và có những công trình nghiên cứu chất lượng cao"- chị Trinh nói thêm.
Thông qua nhiều cuộc thi, những đợt tập huấn, những khóa đào tạo trong và ngoài nước, những lần chuyển giao công nghệ, anh Dũng đã có trong tay đội ngũ nhân lực giỏi, chuyên môn cao. Đó cũng là cơ sở để AHRD thực hiện những công trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ có chất lượng cho bà con nông dân.
Nhiều năm qua, AHRD đã chuyển giao nhiều công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho nhiều địa phương. Với công nghệ trồng rau trong nhà màng, AHRD đã xây dựng được 5 mô hình là trồng rau trên nền đất cằn cỗi, trồng rau trên giá thể, trồng rau theo phương pháp thủy canh hoặc khí canh trong nhà màng hay vườn rau gia đình cho những người sống ở đô thị, nhà có sân thượng...
Bên cạnh đó, AHRD đã nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao 7 quy trình công nghệ trồng trọt ứng dụng công nghệ cao có thể phát triển bền vững cho nhiều doanh nghiệp, nông dân ở tại TP HCM và nhiều địa phương lân cận khác. "Những đóng góp về mặt chuyên môn của AHRD không chỉ nâng tầm nông sản Việt mà còn mang lại niềm vui cho người dân và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Thành công đó chính là động lực để tôi và tập thể lao động AHRD tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, vì một nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững" - anh Dũng bày tỏ.
"Thành công của những người làm công tác nghiên cứu khoa học như tôi chỉ thực sự có ý nghĩa khi giá trị nông sản Việt được nâng tầm và vươn ra thế giới. Điều quan trọng là giúp bà con nông dân thay đổi tư duy trồng trọt, cải thiện thu nhập” - anh Dũng bộc bạch.
Kỳ tới: Miệt mài sáng tạo