Giải tỏa 'cơn khát' du lịch quốc tế, người Hàn Quốc chuộng dịch vụ bay 'không điểm đến'
Đường biên giới đóng cửa để ngăn chặn Covid-19, hàng không đình trệ, du khách không thể đi du lịch nước ngoài. Những chuyến bay không điểm đến được thực hiện tại Hàn Quốc thời gian qua vừa giải tỏa những nhu cầu kìm nén du lịch quốc tế của du khách, vừa giúp hàng không và các cửa hàng miễn thuế bớt khó khăn trong đại dịch.
Báo cáo của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) cho biết, từ tháng 12-2020 đến tháng 5-2021, tổng số 15.983 hành khách đã trải nghiệm ở 152 chuyến bay chỉ có hành trình trên không, không có điểm đến.
Kể từ khi chính phủ Hàn Quốc cấp phép hoạt động cho dịch vụ này nhằm hỗ trợ ngành hàng không và khu vực bán hàng miễn thuế, hiện có bảy hãng hàng không triển khai dịch vụ trên, gồm những hãng hàng không hàng đầu như Korean Air Lines Co. và Asiana Airlines Inc.
Hãng hàng không giá rẻ Air Busan Co. khai thác nhiều chuyến bay nhất với 35 chuyến, tiếp theo là đối thủ Jeju Air Co. với 34 chuyến và Jin Air với 33 chuyến.
Tham gia chương trình bay không điểm đến, sau khi khởi hành, hành khách sẽ được bay trên bầu trời qua một số địa điểm trong một khoảng thời gian và sau đó hạ cánh tại chính sân bay khởi hành. Hành khách sau đó sẽ có thể mua đồ trong cửa hàng miễn thuế.
Theo chương trình này, hành khách trên chuyến bay chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như kiểm tra thân nhiệt khi lên máy bay, đeo khẩu trang và ngồi cách nhau trên chuyến bay. Hành khách không phải thực hiện các quy định phòng dịch bắt buộc như xét nghiệm Covid-19 và cách ly khi kết thúc chuyến bay.
Theo kế hoạch, chương trình bay không điểm đến này sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Hiện tại Hàn Quốc có bốn cảng hàng không quốc tế được phép thực hiện các chuyến bay không điểm đến gồm cảng hàng không quốc tế Incheon, Gimpo, Daegu và Gimhea.
Không chỉ đem lại niềm vui cho du khách, giúp có thêm nhiều chuyến bay trở lại bầu trời, những chuyến bay không điểm đến cũng mang lại “năng lượng” tích cực cho cả khu vực bán hàng miễn thuế.
Trả lời Bloomberg, chuyên gia phân tích Sung Junewon tại Công ty Đầu tư Shinhan tại Seoul nhận định: “Các chuyến bay không điểm đến tạo ra đóng góp nhỏ nhưng vẫn tốt hơn là không có gì. Mỗi chút đều có giá trị”.
KCS thống kê, trong vòng sáu tháng, các hành khách sử dụng dịch vụ bay không điểm đến cũng mua lượng sản phẩm miễn thuế trị giá tới 22,8 tỷ won (tương đương 20 triệu USD).
Cô Park Ju-hyun, 31 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Seoul cho biết, cô đã chi khoảng 90 nghìn Won (80 USD) cho một vé trên chuyến bay không điểm đến hồi tháng 3. Đó là chuyến bay đầu tiên của cô kể từ khi đại dịch bùng phát. Cô Park nói, dù nó không có điểm đến nhưng hoàn toàn giá trị khi cô có thể mua đồ ở cửa hàng miễn thuế. Park đã tốn khoảng 600 USD cho số hàng miễn thuế trên chuyến bay này, hầu hết là các sản phẩm mỹ phẩm.
“Thật vui khu được trở lại sân bay”, cô Park nói.