Giải toán thật vui!

Thân gửi bạn sách 'Những bài toán đố Matxcơva'! Không biết chúng ta đã gặp nhau từ bao giờ nhỉ?

Có lẽ là từ khi tôi vừa mới bước chân vào ngưỡng cửa tiểu học, hoặc thậm chí là có thể sớm hơn thế nữa. Trong suốt thời gian chúng ta ở bên nhau, bạn đã cho tôi được thấy những bài toán vừa “hóc hiểm” lại vừa “thú vị” và còn “giải trí” nữa. Bạn đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự say mê toán học và kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng của tôi.

Tôi chẳng còn kí ức gì về ngày bạn đến với tôi nữa, vì khi ấy tôi không để ý cho lắm. Mẹ tôi kể lại rằng, mẹ bất ngờ “gặp” bạn tại hội chợ sách năm 2016. Tuy không phải là dân chuyên toán, nhưng mẹ rất ấn tượng với bối cảnh của các bài toán thực tế và sinh động được phủ đầy trong bụng bạn. Chẳng cần đắn đo mẹ lập tức “rinh” bạn về.

Khi nhận gói quà từ tay mẹ, tôi – như bao đứa trẻ khác, hí hửng lập tức mở tung. Và bạn nằm gọn ghẽ trong đó, rất bắt mắt với chiếc áo màu vàng, cùng với hình ảnh đàn chuột nhảy nhót xung quanh một chú mèo trông rất ngộ nghĩnh. Tôi càng thêm hứng thú khi được biết tác giả Boris A. Kordemsky “gần như là tác giả bán chạy nhất về các bài toán vui trong lịch sử thế giới”. Thế là tôi định bụng ngồi đọc luôn, nhưng vì lúc ấy sắp tới giờ đi ngủ nên tôi phải lên giường mà bụng cứ tiếc hùi hụi.

Sáng hôm sau, không chậm trễ phút nào, tôi lao vào khám phá các bí ẩn đằng sau những bài toán đó. Lướt qua những trang sách đầu tiên, tôi nhìn thấy không ít dạng bài vừa quen mà vừa lạ. Có những bài toán đếm có bao nhiêu hình tam giác mà tôi đã biết cách đếm; có bài toán sói, dê và bắp cải bố tôi suốt ngày đố, làm tôi thuộc lòng cả cách giải để cả ba đều có thể qua sông,… Và cũng như mẹ, tôi rất thích thú với đề bài của tác giả Kordemsky. Tác giả luôn lấy những bối cảnh, cái tên, địa điểm thực tế, chẳng hạn như Nuriya Saradzheva, trung sĩ Semochkin, nhà máy điện Tsimlyansk,… để dẫn dắt khiến tôi… “sa bẫy”.

Bạn đã đem tới tổng cộng 359 bài toán, từ dễ đến khó, và bài toán nào cũng thú vị, đặc sắc cả. Chỉ là những bài toán đố vui thôi nhưng cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi và ảnh hưởng rất lớn tới cách tiếp cận môn toán sau này của tôi. Xứng đáng được kể đến chính là bài toán số 24 – một bài toán nối hình. Tôi đã thực sự bị “sa bẫy” bài toán này – tức là “tưởng không dễ mà dễ không tưởng”.

Tôi cứ tự hỏi chính mình: “Sao chỉ được vẽ 4 đường thẳng trong hình vẽ mà lại có tận 9 chấm nhỉ?”. Suốt ngày tôi vắt óc nghĩ cách giải, xoay ngang xoay dọc đủ mọi kiểu, nhưng đầu óc cứ “mặc định” rằng “không được vẽ ra ngoài”! Sau khi “nghĩ chán chê” suốt một tuần, tôi không còn đủ kiên nhẫn nữa và lật giở đáp án. Và “Bùm!” – đáp án của tác giả yêu cầu phải vẽ ra ngoài!

Từ đó, tôi đã cố gắng tiếp cận bài toán từ mọi hướng, miễn không vi phạm yêu cầu đề bài, chứ không tự vẽ ra những yêu cầu không có trong đề bài. Bây giờ, khi học hình học lớp 7, tôi đã giải được rất nhiều bài toán bằng cách vẽ thêm đoạn thẳng, dựng thêm tam giác đều,… Chính bạn đã giúp tôi hình thành được tính cách rất “hữu dụng” ấy, từ bài toán số 24.

Từ ngày bạn đến với tôi cho đến khi tôi rời xa ngôi trường Tiểu học, tôi vẫn hàng ngày “khám phá”, “giải phẫu” những bài toán đố trong “cơ thể” bạn. Càng lớn, tôi càng tự khám phá, giải mã được chúng nhanh hơn, nhiều hơn. Nhưng khi tôi bắt đầu cuộc hành trình ở ngôi trường Trung học Cơ sở, tôi đành phải xếp bạn vào một góc để tập trung học tập trên lớp.

Tôi đã hầu như quên mất sự có mặt của bạn, bỏ xó bạn trong một góc tủ. Cho tới khi, chỉ vài ngày trước, khi mở tủ sách để tìm kiếm tài liệu giải toán, tôi mới vô tình nhìn thấy bạn nằm buồn thiu trong góc. Bạn ơi, trong suốt thời gian bị tôi lãng quên, bạn có cảm thấy buồn bã không? Không biết bạn có nhớ lại quãng thời gian chúng ta đã vui vẻ bên nhau trong suốt 5 năm Tiểu học và rồi lại cảm thấy buồn tủi vì thấy tôi bỏ rơi bạn không?

Tôi rất xin lỗi bạn khi đã bỏ rơi bạn trong suốt hai năm qua. Ví như, tôi không tình cờ mở tủ nơi bạn đang có mặt thì có lẽ tôi đã lãng quên hoàn toàn một người bạn thân thiết từ nhỏ, một người bạn đã truyền thêm cho tôi niềm đam mê với toán học và giúp tôi thay đổi rất nhiều trong cách tiếp cận và giải toán.

Bạn ơi, hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm một khoảng thời gian nữa nhé! Tuy tôi rất muốn ngay lập tức tiếp tục cuộc hành trình toán đố cùng với bạn, nhưng sắp tới tôi phải thi cuối học kì II rồi. Tôi sẽ quyết tâm ôn tập thật tốt và đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới. Và, khi mọi thứ đã xong xuôi, tôi lại tiếp tục khám phá bạn để nối dài cuộc hành trình chinh phục những bài toán hay của tác giả Boris A. Kordemsky! Ta lại nối tiếp những quãng thời gian vui vẻ bên nhau – thứ mà đã từng bị đứt quãng trong suốt hai năm nhé!

Tạm biệt bạn thân mến!

Lê Tuấn Kiệt (HS lớp 7E Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-toan-that-vui-post637711.html