Giảm đại biểu kiêm nhiệm, nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40%

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn) (Hà Tĩnh) đồng tình với tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo là số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40%.

“Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định khoảng 3-5% cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đủ các điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội”, ông Sơn nói.

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cũng nhất trí với quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định trong dự thảo luật về cơ chế dành tỷ lệ ít nhất là 5% cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.. hội tụ đủ các điều kiện về sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực công tác và uy tín để tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng tán thành phải có ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tổng số đại biểu Quốc hội sẽ không quá 500 người như luật hiện hành.

“Nghiên cứu giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, CA, quân sự để tăng đại biểu chuyên trách ở Trung ương, địa phương, có tỷ lệ cần thiết tối đa là 5% cho chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, năng lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đề nghị tuổi không quá 60 để đảm bảo sức khỏe hoạt động đủ một nhiệm kỳ là không quá 65 tuổi”, đại biểu nói.

Bày tỏ nhất trí tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đây là một điểm mới, một điểm nhấn trong dự thảo luật lần này.

Tuy nhiên, theo đại biểu, điều đáng tiếc là quy định về đại biểu Quốc hội là chuyên gia, là các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu thì lại chưa được đưa vào trong dự thảo luật lần này.

“Tôi vẫn hiểu Quốc hội là cơ quan đại biểu và chúng ta đang bầu đại biểu Quốc hội dựa trên tính đại diện và trong những năm qua thì Quốc hội của chúng ta đã thể hiện rất tốt tính đại diện.

Trong khi đó, chúng ta cũng đang đặt ra vấn đề là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu, ở đây sẽ có một mâu thuẫn giữa vấn đề vừa bảo đảm được tính đại diện, nhưng vừa mong muốn có những đại biểu có chất lượng cao hay là những đại biểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó” - đại biểu phân tích.

Theo bà Hoa, khi Quốc hội muốn bấm nút thông qua một nội dung nào đó còn nhiều ý kiến tranh cãi thì việc các đại biểu Quốc hội có những hiểu biết chuyên sâu đã có những tác động rất lớn tới các đại biểu Quốc hội khác. “Tôi nghĩ việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất từ 35% lên 40% thực sự là một cơ hội để có thể thực hiện chính sách này”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị trong Đề án bầu cử Quốc hội sắp tới và trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải quy định rõ và chặt chẽ để đảm bảo tối thiểu phải được 40%, còn nếu cao hơn đến 45%, 50%, thậm chí trên 50% thì càng tốt.

“Chúng ta rút kinh nghiệm qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt khóa XIV vừa rồi quy định tối thiểu 35% nhưng chúng ta không đạt được yêu cầu này”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành phải có ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành phải có ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh Quốc hội

Tên các Ủy ban cần ngắn gọn

Liên quan đến việc đổi tên Ủy ban "Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng" và Ủy ban "Về các vấn đề xã hội" thành “Ủy ban Văn hóa, giáo dục” và “Ủy ban Xã hội”, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ tán thành và cho rằng việc đổi tên gọi như vậy ngắn gọn, khái quát hơn, dễ sử dụng hơn.

Theo các đại biểu, về nguyên tắc, tên gọi của các cơ quan cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan để có thể phân biệt với các cơ quan khác nhưng không cần thiết và không thể ghi đầy đủ tất cả các lĩnh vực, nội dung hoạt động của cơ quan trong tên gọi.

Việc xác định tên gọi nên theo lĩnh vực (ví dụ Văn hóa, giáo dục), không nên xác định theo phạm vi đối tượng chủ thể (ví dụ Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng hay Trẻ em) vì nếu xác định theo đối tượng chủ thể thì tên gọi của một số Ủy ban khác cũng chưa thể hiện đầy đủ phạm vi phụ trách.

Dự luật cũng tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu, bổ sung quy định đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thống nhất với cách quy định về tiêu chuẩn đại biểu hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-dai-bieu-kiem-nhiem-nang-ty-le-dai-bieu-hoat-dong-chuyen-trach-len-it-nhat-la-40-194898.html