Giảm đầu mối, giảm biên chế - không thể chần chừ
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề cấp bách hiện nay. Để tiết kiệm chi dứt khoát phải sắp xếp lại các đầu mối địa phương, đơn vị, cơ quan, tinh giản biên chế. Mới đây khi phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên một con số đáng 'giật mình': Ngân sách đang phải dành tới gần 70% để trả lương, chi thường xuyên.
Nếu việc điều hành ngân sách cứ theo hướng này thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị: “Phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển”.
Chuyện giảm đầu mối, giảm biên chế chúng ta đã làm suốt mấy chục năm qua. Chủ trương được bàn tới bàn lui, nhất trí rất cao, mục tiêu rất rõ, thế nhưng kết quả thì không như mong muốn, hoặc rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Năm 1976, sau hòa bình, thống nhất đất nước, cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố, do cứ hai đến ba tỉnh được sáp nhập thành một tỉnh. Đầu mối giảm gần một nửa, kéo theo biên chế giảm, các khoản chi giảm. Thế rồi một thời gian sau, sau 5 lần tách tỉnh và tái lập, cả nước lại có tới 64 tỉnh, thành phố (năm 2004). Đến năm 2008, tỉnh Hà Tây nhập vào Hà Nội Thủ đô được mở rộng, còn lại 63 tỉnh, thành phố.
Tách ra hay nhập vào đều có lý, cái lý của một thời, với rất nhiều “đặc điểm, đặc thù”. Nay thì kinh tế phát triển, giao thông, đô thị phát triển, đặc biệt là Internet đã phủ sóng khắp nơi, địa bàn tỉnh, huyện, xã bỗng trở nên hẹp lại. Thế nên yêu cầu sáp nhập trở nên rất cần thiết. Từ Đại hội XII của Đảng, Trung ương đã đánh giá, bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, cần phải sắp xếp, phải tinh gọn. Quốc hội, Chính phủ cũng đã có nhiều nghị quyết, nghị định cụ thể nhưng việc thực hiện còn rất ì ạch.
Lần sáp nhập này chúng ta tiến hành từ dưới lên để có thêm kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc thu gọn đầu mối đã được thực hiện ở cấp xã, cấp huyện, và mới chủ yếu dựa trên diện tích, dân số, kinh tế... Tương tự mới thực hiện ở cấp vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành. Từ năm 2018, Bộ Công an là đơn vị đi đầu trong việc tinh giản biên chế, tất cả 6 Tổng cục thuộc Bộ không còn, thay vào đó là các cục trực thuộc. Bộ cũng giảm 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng...
Qua đây có thể nói, khi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết tâm cao, đoàn kết thống nhất, bước đi phù hợp, thì việc giải thể, sáp nhập, giảm biên chế, hoàn toàn làm được. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào thật toàn diện, kĩ lưỡng, đánh giá tác động về việc tại sao phải tách-nhập ở một địa phương và việc sáp nhập này sẽ có những tác động thế nào.
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là làm gì và làm như thế nào để giảm biên chế? Theo chúng tôi, việc đầu tiên cần quan tâm sắp xếp hai nhóm cơ quan là cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương. Về cơ quan quản lý ngành cần đánh giá về quy mô tổ chức sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, để tránh chồng chéo, cát cứ, đùn đẩy. Muốn vậy phải có đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia vừa có kiến thức rộng vừa thật sự là chuyên gia ở các chuyên ngành hẹp. Ai không đủ năng lực, trình độ thì xin mời chuyển sang các bộ phận làm kinh tế, tự hạch toán, tự nuôi nhau. Theo hướng này, sắp tới cần nghiên cứu sáp nhập một số bộ, cơ quan ngang bộ, các tổng cục.
Đương nhiên cần tránh bớt đầu mối về mặt hình thức, nói nôm na là số chum vại thì giảm nhưng lại phình to, tức là nhân sự không giảm khi đầu mối giảm. Muốn vậy, Nhà nước cần rà soát, đánh giá tổng thể, chuyển giao cho xã hội đảm nhiệm bớt một số chức năng của quản lý ngành/lĩnh vực. Khi thu hẹp được các ngành thì mới tinh giản bộ máy được.
Có đồng chí lãnh đạo Bộ nói rằng, ở Bộ tôi có giảm 40% biên chế cũng chả sao, công việc vẫn chạy. Rất cần giảm những người kém tài, đức và người hay sách nhiễu, dẫu vẫn biết đụng vào đâu cũng vướng, vì đụng vào đâu cũng gặp “con cháu các cụ” (!). Bởi vậy, kỉ cương, gương mẫu của cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, người đứng đầu là yếu tố quyết định.
Không chỉ có các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí, văn học-nghệ thuật cũng cần được tinh gọn. Nêu lên con số 70% ngân sách chi cho hoạt động cơ quan nhà nước, nhưng thực ra có một phần khá lớn để nuôi bộ máy và tạo “nguồn sống” cho các tổ chức, đoàn thể... Vì lẽ đó, giảm bộ máy ở khối đoàn thể, các tổ chức hội cũng là giảm gánh nặng (khá lớn) cho nhân sách, (tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm).
Bài toán về tinh giản biên chế đã được tính toán trong suốt mấy thập niên vừa qua. Vẫn biết đây là vấn đề khó khăn vì nó liên quan trực tiếp đến con người, rất phức tạp, nhạy cảm. Thông thường đầu nhiệm kỳ, cuối nhiệm kỳ đại hội, nhiều nơi cán bộ chủ chốt nghe ngóng, sợ nảy sinh những vấn đề phức tạp, khiếu kiện, tố cáo cũng xuất phát từ việc “mất chức” và “mất chỗ” làm việc.
Thế nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm quý từ các địa phương, đơn vị làm tốt, nhất định sẽ triển khai và thực hiện thành công trong năm 2025, lấy đà cho những năm sau, cho kỷ nguyên vươn lên mạnh mẽ của dân tộc.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giam-dau-moi-giam-bien-che-khong-the-chan-chu-720111.html