Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Các tổ chức, cá nhân cần vào cuộc

Nhiều năm nay, ở Việt Nam xảy ra tình trạng nhiều tác phẩm nghệ thuật bị vi phạm bản quyền. Vì vậy, nhu cầu thành lập đơn vị giám định tác phẩm trở thành đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, máy móc trang thiết bị kỹ thuật.

Giả mạo tác phẩm, hoặc bán tác phẩm nghệ thuật với mục đích lừa gạt bằng cách gán nó cho một nghệ sĩ có tác phẩm được bán giá cao trên thị trường. Hoặc là thêm chữ ký trên tranh, thay đổi bản thảo. Ngoài ra, trong mỹ thuật, có hiện tượng sao chép, vi phạm bản quyền, sử dụng trái phép tác phẩm của người khác…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt khi nhu cầu về tác phẩm nghệ thuật của một hay một nhóm nghệ sĩ nào đó tăng nhưng thị trường lại khan hiếm, đẩy giá trị tác phẩm lên cao là cơ hội cho “đạo”, “nhái” tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh có đất diễn. Việc phân biệt một tác phẩm nghệ thuật là đích thực hay giả mạo đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu sắc về lịch sử nghệ thuật và công việc của từng nghệ sĩ, PGS-TS. Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết tại hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra mới đây.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Giám định tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh ở Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật. Tất cả chỉ là con số không.

Khi đời sống mỹ thuật, thị trường mỹ thuật trong nước đã manh nha phát triển, giao lưu, trao đổi, mua bán kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ngày một phát triển. Nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh, người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là có thật và đang diễn ra hàng ngày.

Trước thực tế đó, việc ra đời Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – MTNA&TL, Bộ VHTTDL) vào cuối năm 2018 là cần thiết, góp phần minh bạch thị trường mỹ thuật và nhiếp ảnh. Song trong vòng nửa năm qua, trung tâm dường như chưa làm tròn vai của một “trọng tài”! Theo lý giải của ông Thành, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đang đứng trước 3 khó khăn lớn. Đó là thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm, nghệ thuật, nếu có thì cũng rất sơ sài, chung chung, khó áp dụng. Bên cạnh đó là tâm lý nghi ngờ, không ai chịu ai, ai cũng cho mình là giỏi, hiểu biết và không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài”. Muốn tiến hành kiểm tra kỹ thuật, hiện phải nhờ toàn bộ cả về con người và máy móc của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an.

Nhằm giúp trung tâm hoạt động hiệu quả hơn, bà Thanh Mai đề xuất, cần sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ nghệ sĩ. Bởi hồ sơ nghệ sĩ với ý nghĩa là kho lưu trữ tài sản trí tuệ của nghệ sĩ liên quan mật thiết đến lịch sử nghệ thuật, phê bình, giám tuyển và thẩm định nghệ thuật. Việc quan tâm, chú trọng xây dựng hồ sơ nghệ sĩ không còn là cách để bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn là sự tiếp cận quảng bá thương hiệu tới công chúng một cách hữu hiệu công việc và nghệ thuật của các nghệ sĩ. Ngoài ra, để giám định một tác phẩm mỹ thuật không chỉ cần chuyên gia, thiết bị kỹ thuật, khoa học - công nghệ, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản lý nhà nước, lý lịch tác phẩm, bản quyền tác giả...

Ở các nước có thị trường mỹ thuật, tức là có mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Các tổ chức, cá nhân đều có thể làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm. Còn ở Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà việc giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Vì vậy, ông Thành thiết tha kêu gọi các tổ chức, cá nhân hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập, tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để Cục MTNA&TL sớm rút ra khỏi hoạt động này.

Bảo Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giam-dinh-tac-pham-my-thuat-nhiep-anh-cac-to-chuc-ca-nhan-can-vao-cuoc-90288.html