Giám đốc CDC Hà Nội và 6 bị can sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư cho rằng nếu các bị can câu kết, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm gây thiệt hại trên 1 tỷ thì sẽ chịu hình phạt cao nhất 20 năm tù.

Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bước đầu, cảnh sát xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Pháp luật hiện áp dụng những chế tài nào cho người phạm tội danh nói trên?

 CDC Hà Nội có 13 khoa chuyên môn và 3 phòng chức năng với hơn 500 công nhân viên chức. Ảnh: Hải Nam.

CDC Hà Nội có 13 khoa chuyên môn và 3 phòng chức năng với hơn 500 công nhân viên chức. Ảnh: Hải Nam.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhóm bị can trong đó có 3 cán bộ CDC Hà Nội là những người được Nhà nước giao trọng trách kiểm soát bệnh tật.

Tuy nhiên, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chính sách mua sắm máy móc, thiết bị y tế để nâng khống giá, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị can gây bất bình dư luận, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang phòng chống dịch Covid-19.

Luật sư cho rằng trong vụ án này, các bị can đã có hành vi phạm tội cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc của nhóm lợi ích. Do đó, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan.

Nếu đủ căn cứ quy kết về tội danh như trên, các bị can có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 5 năm sau đó.

Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là tình tiết bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ông Cường nhận định các bị can sẽ đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể với khung cao nhất của tội danh.

Theo luật sư Cường, Chính phủ và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có chỉ đạo, hướng dẫn về việc xử lý những hành vi phạm tội liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với kẻ đầu cơ, trục lợi hay lợi dụng dịch bệnh để phạm tội.

Luật sư cho rằng việc các bị can câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 đó là dấu hiệu của sự trục lợi.

Trường hợp có căn cứ xác định các bị can đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận trong đấu thầu hoặc không công bằng, minh bạch trong đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-12 năm.

Trong trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị can đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, theo quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, quá trình điều tra mở rộng nếu cơ quan tố tụng xác định vụ án có đồng phạm thì sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, xác định ai là chủ mưu, ai giúp sức? Thậm chí, nếu cơ quan tố tụng thấy có dấu hiệu của tội danh khác thì cần khởi tố bổ sung để làm rõ.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giam-doc-cdc-ha-noi-va-6-bi-can-se-bi-xu-ly-ra-sao-post1076376.html