Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nói về sự xâm nhập của công ty Trung Quốc

Theo Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện ngành đang rất 'đau đầu' với sự xâm nhập của các công ty Trung Quốc trong hình thành các kho hàng sát biên giới và khai thác những công nghệ, giải pháp được hỗ trợ khác để cung cấp hàng hóa.

Ngày 24/10, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên chủ trì buổi giám sát việc triển khai, thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố về công tác chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội đối với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM.

Ngành đang rất “đau đầu”

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết sở được UBND thành phố giao chủ trì thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề năm, trong đó có nhiệm vụ phát triển tổng thể thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Tùng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Tùng.

Theo ông Vũ, hoạt động TMĐT trên địa bàn tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa. Việc này tạo nền tảng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, khi các thỏa thuận thương mại tự do được thực thi.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết số lượng website, ứng dụng do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TPHCM sở hữu đã đăng ký với Bộ Công Thương có tỷ lệ cao nhất nước. Cụ thể, thành phố có 23.870 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,5% cả nước)... Đi liền đó, tỷ trọng doanh thu TMĐT 6 tháng đầu năm nay chiếm 16,7% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.

Dù vậy, ông Vũ cũng nhìn nhận công tác phát triển TMĐT vẫn còn nhiều khó khăn như chưa có các quy định hàng rào kỹ thuật, siết chặt quản lý đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo ông, hiện ngành đang rất “đau đầu” với sự xâm nhập của các công ty Trung Quốc trong hình thành các kho hàng sát biên giới và khai thác những công nghệ, giải pháp được hỗ trợ khác để cung cấp hàng hóa.

“Sở đã văn bản chính thức báo cáo Bộ Công Thương đề nghị có chấn chỉnh việc. Dù nhận thức rõ rằng người tiêu dùng có quyền tiếp cận hàng hóa với giá rẻ, giá thấp nhưng cũng cần nhìn ở góc độ công bằng trong hoạt động với các đối tác tham gia kinh tế”, ông Vũ nói thêm.

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, một thực trạng nan giải khác là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện nhiều trên môi trường mạng gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT còn hạn chế, dẫn đến không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ kiến nghị các bộ ngành Trung ương phối hợp và quan tâm chỉ đạo để có hướng phát triển TMĐT phù hợp, đồng thời có cơ chế, chính sách tăng cường công tác quản lý để hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động này.

TS Trần Quang Thắng nêu ý kiến.

TS Trần Quang Thắng nêu ý kiến.

Cũng trước tình trạng này, TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho biết, TPHCM có nền TMĐT chiếm một tỷ lệ cực lớn so với cả nước. Thế nhưng việc cấp phép hoạt động là do Bộ Công Thương thực hiện, thành phố không được cấp phép. Việc này gây khó cho việc tính thuế, điều tiết thị trường và thâm nhập những công nghệ mạnh hơn. Do đó, thành phố cần đề nghị một cơ chế, chính sách hợp lý hơn.

Ông Thắng cũng nhìn nhận vấn đề phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực của thành phố tựu trung xoay quanh các “trụ cột” như môi trường lành mạnh, xã hội phát triển, quản trị chính quyền, người dân hài lòng với điều kiện sống… Mặt khác, các trụ cột này không phải dễ triển khai nếu thiếu đi bệ đỡ chuyển đổi số, bởi đây là “vũ khí cực mạnh” để thành phố bắt kịp nhịp độ phát triển trên thế giới. Về điểm này, ông Thắng nhìn nhận Việt Nam là một điển hình nổi bật về xây dựng và phát triển chuyển đổi số, dù còn vướng đôi chút về mặt cơ chế, chính sách.

Xu thế tất yếu

Trao đổi kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên đề nghị các cơ quan, đơn vị cần xem chuyển đổi số trở thành công việc thường xuyên và tập trung hơn, bởi đây là xu thế tất yếu, không thể không làm nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước tại đơn vị.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên trao đổi kết luận buổi giám sát. Ảnh: Ngô Tùng.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên trao đổi kết luận buổi giám sát. Ảnh: Ngô Tùng.

Ông Kiên cho rằng vấn đề quản lý chỉ dựa vào con người không thôi là không được, mà phải áp dụng chuyển đổi số, áp dụng phần mềm như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đặt vấn đề. Bởi AI có thể giải quyết được nhiều nội dung mà trước đây không giải quyết được.

“HĐND TPHCM hiện đang triển khai phần mềm của Sở Thông tin và Truyền thông trong phục vụ các kỳ họp như thẩm tra báo cáo của các ban chuyên môn liên quan một số điều, quy định. Nếu không có sự hỗ trợ của AI thì sẽ rất mất thời gian trong việc tìm ra việc này liên quan đến thông tư, nghị định nào…”, ông Kiên dẫn chứng.

Ngô Tùng - Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giam-doc-so-cong-thuong-tphcm-noi-ve-su-xam-nhap-cua-cong-ty-trung-quoc-post1685297.tpo