Giảm khâu trung gian từ xuất bản đến tay người tiêu dùng để ngăn SGK giả

Nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn sản xuất và buôn bán sách giáo khoa giả, in lậu xuất phát từ lợi nhuận.

Để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, siết chặt công tác quản lý, xử lý đối với sách giả, sách lậu.

Cụ thể, theo đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như một số nhà xuất bản khác. [1]

Ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục của nhà trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Sở - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiêm Thành Tấn (Hậu Giang) cho hay, khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, để thuận lợi cho học sinh, nhà trường đã liên kết với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hậu Giang để cung cấp sách cho học sinh nhà trường.

“Trên cơ sở tổ hợp môn mà học sinh đăng ký, nhà trường khảo sát nguyện vọng của các em về nhu cầu đăng ký mua sách tại nhà trường, qua đó, nhà trường sẽ liên hệ với đơn vị cung cấp sách. Nếu học sinh có nguyện vọng và đăng ký, nhà trường sẽ hỗ trợ các em. Như vậy, học sinh không cần phải tự ra ngoài mua tại nhà sách”, thầy Sở cho hay.

Theo vị hiệu trưởng, việc học sinh đăng ký mua sách ở nhà trường, thông qua Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hậu Giang sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho các em. Cụ thể, học sinh sẽ được đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc sách và được cung ứng kịp thời, các em sẽ có đủ sách để học tập khi bước vào năm học mới.

 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang phát hiện và tạm giữ 79.103 cuốn sách có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Website Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang phát hiện và tạm giữ 79.103 cuốn sách có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Website Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang.

Thầy Đào Vĩnh Bộ - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Từ những năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi bước vào đầu năm học mới, sách giáo khoa còn chưa bán ngoài thị trường, nhà trường đã dựa vào số lượng học sinh năm học trước để triển khai xin ý kiến phụ huynh về việc mua sách tập trung và tiến hành đăng ký mua.

Nhà trường tổng hợp số lượng và báo với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi phía công ty cung cấp sách, nhà trường sẽ thông báo cho phụ huynh đến lấy.

Sau đó, khi đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến tất cả các cấp học, nhà trường tư vấn cho phụ huynh có thể mua sách ở những địa chỉ uy tín như các cửa hàng, công ty sách,... để mua theo danh mục sách mà nhà trường đang tổ chức dạy và học”.

 Thầy Đào Vĩnh Bộ - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.

Thầy Đào Vĩnh Bộ - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.

Thầy Đào Vĩnh Bộ cũng phân tích, việc phụ huynh đăng ký mua sách ở nhà trường sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, làm giảm nỗi lo âu cho phụ huynh khi bước vào năm học mới. Phụ huynh sẽ không phải băn khoăn việc mua sách gì, mua ở đâu và mua như thế nào khi hiện nay đang có nhiều bộ sách khác nhau.

Thứ hai, việc đăng ký mua sách tại trường sẽ đảm bảo mua được đúng bộ sách mà nhà trường thống nhất lựa chọn, đồng thời đảm bảo độ uy tín, chính thống của sách và tránh được tình trạng mua phải sách giả, sách lậu; giá cả cũng được niêm yết rõ ràng.

Thứ ba, đối với một số trường hợp, bị thiếu một số cuốn sách do chưa kịp thời in ấn, sẽ được phía công ty sách cố gắng cung cấp một cách nhanh nhất để kịp thời bổ sung, đảm bảo 100% học sinh đều có sách trước ngày khai giảng năm học mới.

Cũng theo thầy Đào Vĩnh Bộ, vấn nạn sách giả, sách in lậu từ lâu đã được đề cập đến rất nhiều, đặc biệt, hiện nay, các cuốn sách rất được chú trọng về hình ảnh, màu sắc, các ví dụ thực hành minh họa…; trong khi đó, sách giả, sách lậu thường không được đảm bảo về chất lượng giấy, mực in,... sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của hình ảnh, thiếu tính chân thực, sống động và giảm độ bền của sách.

Thêm vào đó, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều bộ sách, khác với trước đây (theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một bộ sách dùng chung), do vậy, hiện nay vấn đề kiểm soát nội dung và phát hiện sai sót của sách có phần khó khăn hơn.

“Nếu chẳng may khi mua phải sách giả và nội dung của cuốn sách bị chỉnh sửa với những nội dung sai lệch, vô hình trung sẽ tạo ra những hệ quả không tốt đối với công tác giáo dục.

Đối với hệ thống kiến thức liên quan đến tư tưởng, đạo đức, pháp luật cho học sinh, nguồn kiến thức cần phải mang tính chuẩn xác.

Bởi vì, sách được xây dựng trên mục tiêu, yêu cầu kỹ năng cần đạt theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nếu lỡ trong sách giả, sách lậu, có những nội dung đi ngược lại với định hướng đó, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giáo dục, tư tưởng của học sinh, gây tâm lý hoang mang cho giáo viên, phụ huynh, học sinh”, thầy Bộ phân tích thêm.

 Ảnh minh họa: Website Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ảnh minh họa: Website Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Giúp phụ huynh, học sinh nâng cao hiểu biết về sách thật - sách giả

Nói về những hệ lụy của sách giả, sách in lậu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiêm Thành Tấn chia sẻ, sách giả, sách lậu trà trộn với sách thật sẽ gây nhiều hệ lụy. Thêm vào đó, với những cuốn sách giáo khoa giả, in lậu không được kiểm chứng về nội dung sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục của các nhà trường.

“Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thông qua phương tiện thông tin - truyền thông, các trường cũng nhận biết được tình hình của vấn nạn sách giả.

Tuy nhiên, vấn đề còn lại là chưa nắm rõ được cuốn sách giả ra sao để tuyên truyền và phổ biến đến phụ huynh, học sinh, nghĩa là chưa có sự đối chiếu, so sánh thực tế giữa 2 cuốn sách thật - sách giả”, thầy Sở chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiêm Thành Tấn, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn sản xuất và buôn bán sách giáo khoa giả, in lậu xuất phát từ lợi nhuận.

“Trong khi các đơn vị xuất bản - phát hành phải mất rất nhiều chi phí cho các khâu để đưa được một cuốn sách ra thị trường, phải đóng thuế đầy đủ, thì các đối tượng sản xuất và buôn bán sách giả, sách in lậu lại không trải qua những khâu này, dẫn đến lợi nhuận cao. Chính điều này đã khiến các đối tượng bất chấp vi phạm.

Để ngăn chặn vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm”, thầy Nguyễn Quốc Sở cho hay.

Còn theo thầy Đào Vĩnh Bộ, một số nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn sách lậu, sách giả len lỏi, trà trộn vào trong thị trường đó là: “Hiện nay, việc mua sách của phụ huynh phải thông qua các khâu trung gian nên dễ mua phải sách lậu, sách giả.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc, liên kết của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm ở đâu đó có thể còn chưa chặt chẽ.

Nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu, thầy Đào Vĩnh Bộ đề xuất, những đơn vị, công ty phát hành sách nên liên kết chặt chẽ với các cửa hàng sách.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lựa chọn mua sách ở những địa chỉ uy tín. Các nhà trường cần chú trọng nâng cao công tác tuyên truyền giúp phụ huynh, học sinh nhận biết sách thật, sách giả.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh nhấn mạnh: “Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường và phụ huynh, học sinh cần có sự liên kết chặt chẽ trong tất cả các khâu, để đảm bảo giáo khoa giả không len lỏi vào trong trường học.

Về phía người tiêu dùng, cần đề cao vai trò tố giác của phụ huynh, học sinh, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, phụ huynh và học sinh có thể báo cáo ngay với các cơ quan chức năng vào cuộc và thẩm định”.

Ngoài ra, thầy Đào Vĩnh Bộ cho rằng: “Theo tôi, các công ty phát hành sách có thể liên hệ trực tiếp với các nhà trường, sau đó các nhà trường sẽ hỗ trợ phụ huynh đăng ký khi có nguyện vọng, không thông qua trung gian bên ngoài, việc này sẽ góp phần ngăn chặn được sách giả, sách lậu”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nong-tinh-trang-sach-lau-sach-gia-dau-nam-hoc-moi-i742790/

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-khau-trung-gian-tu-xuat-ban-den-tay-nguoi-tieu-dung-de-ngan-sgk-gia-post246284.gd