Giảm lãi suất là quyết định tích cực và hợp lý

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ nhìn nhận về động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Chiều 18/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD); lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế.

Để có góc nhìn rõ hơn về các quyết định giảm lãi suất của NHNN, thoibaonganhang.vn đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới theo đuổi chính sách lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan và lạm phát năm nay dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với các năm gần đây, vậy quyết định giảm lãi suất lần này của NHNN có hợp lý, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định thông tin NHNN giảm lãi suất là một động thái tích cực và hợp lý ở thời điểm này. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp thì việc giảm lãi suất cho vay trên của NHNN như nêu trên là hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ tác động đến tỷ giá khi làm giảm giá trị VND một cách tương đối. Vì vậy, việc giảm lãi suất như trên sẽ có tác động hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu.

Vấn đề còn lại cũng cần đặt ra là việc giảm lãi suất này tác động như thế nào đến lạm phát?

Trên thực tế, việc giảm lãi suất tại bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên thế giới cũng luôn được coi là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên theo tôi, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát một cách rất hiệu quả. Đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra. Như vậy, trong điều kiện NHNN đang kiểm soát lạm phát tốt thì việc giảm lãi suất ở mức độ kiểm soát được có thể không tạo ra nhiều rủi ro về bùng phát lạm phát.

Theo quan điểm của ông, quyết định giảm lãi suất cho vay của NHNN có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng thương mại?

Theo tôi, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trước hết sẽ làm giảm doanh thu của các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chi phí vốn của các ngân hàng cũng giảm tương đương thì biên độ lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì, đâu đó khoảng 3%.

Do đó, doanh thu của ngân hàng tuy có giảm nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì nếu ngân hàng cũng giảm chi phí vốn.

Vậy về phía doanh nghiệp, theo ông, quyết định giảm lãi suất cho vay liệu có ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh hay không ?

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay của ngân hàng nên chi phí vốn sẽ chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Vì vậy, việc giảm thêm lãi suất ở mức 0,5%/năm cũng có những tác động nhất đinh. Tuy nhiên theo tôi mức ảnh hưởng là không nhiều.

Thị trường chứng khoán luôn phản ứng rất nhạy cảm đối với các quyết định tăng, giảm lãi suất. Vậy theo ông, quyết định giảm lãi suất của NHNN lần này liệu có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Giá chứng khoán, giá cổ phiếu và lãi suất luôn luôn đi ngược chiều với nhau. Thông thường, khi giảm lãi suất giá chứng khoán sẽ được đẩy lên. Do đó, trong những điều kiện không thay đổi thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Theo tôi, trong trường hợp NHNN giảm lãi suất 0,5%/năm thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, ở bất kỳ thị trường nào giá cổ phiếu cũng dựa vào rất nhiều các yếu tố khác nữa.

Thực tế hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dựa khá nhiều vào hoạt động của khối ngoại. Nếu hoạt động của khối ngoại chuyển động mạnh, hoạt động rút vốn được thực hiện thì sẽ tác động xấu đến giá chứng khoán.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Nga

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giam-lai-suat-la-quyet-dinh-tich-cuc-va-hop-ly-94908.html