Giảm nghèo bền vững: Thay đổi từ tư duy đến hành động

PTĐT - Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo...

Kỳ I: Bước ra khỏi “vùng trũng”

Từ trồng chè, trồng rừng kết hợp với làm nghề, hộ anh Hà Văn Vượng ở khu 10A, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Từ trồng chè, trồng rừng kết hợp với làm nghề, hộ anh Hà Văn Vượng ở khu 10A, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

PTĐT - Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Thành công lớn nhất trong công tác giảm nghèo là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó là tinh thần, khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. Từ chương trình này đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân tự mình bước ra khỏi “vùng trũng”!
Vốn là xã thuộc tiểu vùng 3- vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Ba, trước khi sáp nhập với Quảng Nạp và Năng Yên thành xã Quảng Yên bây giờ, xã Thái Ninh có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân khó khăn, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế... vì vậy, cái nghèo “đeo bám” người dân. Năm 2016, khi thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, qua điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn xã có tới 33,3% hộ nghèo, 25,8% hộ cận nghèo. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã Thái Ninh xác định phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thậm chí còn “xin” vào hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu đúng chủ trương, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm được thưc hiện đảm bảo công khai minh bạch, niêm yết danh sách tại nhà văn hóa khu dân cư, UBND xã để người dân biết, tự đánh giá, nếu thấy có hộ nào không phù hợp có ý kiến lại với xã để xã có phương án giải quyết. Cách làm này đã tác động đến lòng tự trọng của người dân, nhiều người khi họp bình xét hộ nghèo tại khu dân cư đòi hỏi phải được vào hộ nghèo, sau khi được tuyên truyền, hiểu đúng chủ trương của chương trình giảm nghèo bền vững đã tự giác viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại chỉ tiêu cho hộ khác và tự vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ khi rà soát vẫn chưa đủ tiêu chí thoát nghèo nhưng vẫn làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nếu như năm 2016, xã có 247 hộ nghèo, 192 hộ cận nghèo thì đến cuối năm 2019, xã còn 77 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,5%; 40 hộ cận nghèo, bằng 4,9%. Đặc biệt, riêng năm 2019, xã giảm được 131 hộ nghèo bằng 17,8%, 115 hộ cận nghèo bằng 15,5%. Toàn xã đã có 25 hộ viết đơn xin thoát nghèo, cận nghèo. Việc người dân chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để tự chủ động vươn lên trong cuộc sống đã đánh thức suy nghĩ, lòng tự trọng của những người khác trong việc xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.Mặc dù thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thái Ninh cuối năm 2019 mới đạt 18,5 triệu đồng/người/năm, chưa cao so với các xã khác song với cách làm của mình, xã trở thành điểm sáng của tỉnh trong công tác giảm nghèo.

Công ty Cổ phần TN Phú Thọ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gỗ thanh xuất khẩu ở xã Quảng Yên (Thái Ninh cũ), huyện Thanh Ba, tạo việc làm cho 100 lao động với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm nghèo bền vững.

Công ty Cổ phần TN Phú Thọ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gỗ thanh xuất khẩu ở xã Quảng Yên (Thái Ninh cũ), huyện Thanh Ba, tạo việc làm cho 100 lao động với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm nghèo bền vững.

Không giống với các địa phương khác chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác giảm nghèo, người dân khu 20 xã Hoàng Xá huyện Thanh Thủy có cách đi riêng trong việc thoát nghèo. Năm 2019, khu đã ra khỏi khu nghèo của xã.Là khu công giáo toàn tòng cách trung tâm xã 4km, khu 20 có 43 hộ dân với trên 170 nhân khẩu. Mấy năm nay, cả khu không có ai cấy lúa, trồng ngô mà thay vào đó là những cánh đồng trồng dưa lê, dưa hấu, những hàng bưởi, ổi sai trĩu quả. Anh Nguyễn Văn Trung, Trưởng khu 20 cho biết: Những năm trước, người dân trong khu mỗi năm trồng 1 vụ lúa, 1 vụ cá, 1 vụ đông nhưng năng suất thấp, không đủ tự cấp lương thực nên người dân trong khu cứ luẩn quẩn trong cái nghèo. Mặc cảm vì đi đến đâu, làm gì cũng bị “dán mác” người khu nghèo, một số gia đình đã đi học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế ở nơi khác về áp dụng tại đồng đất quê nhà. Từ vài hộ chuyển đổi sang trồng dưa lê, dưa hấu, thấy hiệu quả, người dân tự học nhau kinh nghiệm chăm sóc, rồi chủ động đăng ký vay vốn đầu tư. Hiện cả khu có 90% hộ trồng cây ăn quả, nhiều nhà trước là hộ nghèo lâu năm, giờ đã thoát nghèo, xây được nhà cao tầng, sắm được xe vận chuyển hàng hóa, nuôi dạy con cái học đại học. Nhờ sự năng động trong cách nghĩ cách làm, khu nghèo xưa giờ đã đổi thay, nhà cao tầng dần thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp. Nhìn những vườn bưởi, ổi sai trĩu quả, anh Nguyễn Văn Thọ, một hộ nghèo mấy năm trước nay đã xây được nhà cao tầng, mua được xe ô tô chở khách vui mừng nói: Nếu không có sự đổi mới trong tư duy mà cứ ngồi nhà đợi “con cá” của Nhà nước cho hộ nghèo, chúng tôi không biết bao mới thoát nghèo. Người dân cần chủ động sáng tạo trong cách làm ăn để vươn lên, không nên trông chờ mãi “miếng bánh” của Nhà nước.Trong căn nhà kiên cố vừa hoàn thiện, anh Hà Văn Vượng, khu 10A, xã Tân Phú huyện Tân Sơn vui vẻ cho biết, ngôi nhà này là sự chắt bóp trong gần 10 năm trời của vợ chồng anh. Khi ra ở riêng, vợ chồng anh không có gì, được người dân trong khu bình xét là hộ nghèo, sau khi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng anh bàn nhau mua cây chè, cây keo về trồng. Chăm chỉ cần cù, tích cực học hỏi, áp dụng KHKT vào sản xuất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” đến nay gia đình anh đã có 5.000m2 chè, 3ha keo đã cho thu hoạch. Sau ba năm là hộ nghèo, vợ chồng anh đã thoát nghèo. Ngoài trồng chè, keo, vợ chồng anh còn chăn nuôi gà, lợn, trồng rau sạch để cải thiện đời sống. Hàng ngày anh Vượng đi làm thợ xây, vợ anh làm công nhân may tại cụm công nghiệp Tân Phú, mỗi tháng tiền lương của 2 vợ chồng được 11 triệu cộng với tiền bán chè, mỗi năm vợ chồng anh cũng tích cóp được 50 triệu đồng, nhờ đó xóa tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Anh Nguyễn Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Trong khi một số hộ dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước giúp họ thoát nghèo thì gia đình anh Hà Văn Vượng lại cố gắng thoát nghèo từ nguồn vốn được vay. Gia đình anh là điển hình trong giảm nghèo bền vững của xã, được đề nghị cấp trên biểu dương. Tiếp nối chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của giai đoạn trước, từ năm 2016 trở lại đây, huyện Tân Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp như kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; thành lập tổ tư vấn; chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND các xã triển khai thực hiện tốt các nội dung thuộc chương trình; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, sự tham gia ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo. Hàng năm huyện tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ các chương trình dự án (30a, 135…) để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Tổng nguồn lực huy động cho giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của toàn huyện trong các năm qua đạt trên 800 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực, từ huyện nghèo 30a, kinh tế thuần nông đến năm 2018 Tân Sơn đã ra khỏi danh sách 61 huyện nghèo trong toàn quốc, năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 7,96%/năm. Đánh giá về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, ông Bùi Đức Nhẫn, TUV, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Giai đoạn này, nhận thức của cán bộ và nhân dân về giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều được nâng lên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, khu nghèo, xã nghèo đã thay đổi. Nhiều xã, khu dân cư có những cách làm hay, sáng tạo để thoát nghèo. Toàn tỉnh hiện có 198 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, qua đó khẳng định sự thay đổi từ tư duy đến hành động của cấp ủy chính quyền và người dân trong công tác giảm nghèo bền vững.

Kỳ II: Phát huy vai trò “bà đỡ” trong giảm nghèo bền vững

Mai Phương- Lê Thương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202008/giam-ngheo-ben-vung-thay-doi-tu-tu-duy-den-hanh-dong-172713