Giảm nghèo, sản xuất hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm

HOÀNG VĂN DƯƠNGPhó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai

LCĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế - xã hội huyện Si Ma Cai có nhiều thay đổi tích cực. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các chương trình, dự án phát huy hiệu quả, hệ thống chính trị vững mạnh.

Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Hoàng Văn Dương thăm mô hình trồng cây tam thất.

Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Hoàng Văn Dương thăm mô hình trồng cây tam thất.

Tuy nhiên, do yếu tố tự nhiên nên Si Ma Cai vẫn là huyện thuộc tốp nghèo, biểu hiện rõ nhất là quy mô nền kinh tế nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, giá trị hàng hóa thấp. Trước yêu cầu từ thực tế, Đảng bộ huyện Si Ma Cai đã lựa chọn công tác giảm nghèo và đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tích cực xây dựng nông thôn mới làm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tập trung thảo luận, lựa chọn, đề ra các chủ trương, định hướng lớn nhằm tranh thủ, khai thác tốt các nguồn lực như Nghị quyết 30a, Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy, chương trình xây dựng nông thôn mới… Kết quả là kinh tế phát triển ổn định, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm, ngành thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng, thu nhập bình quân của người dân vượt 57,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội.

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, ước trong năm 2020, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 26.500 tấn, 5 năm qua, trung bình mỗi năm Si Ma Cai tăng hơn 1 nghìn tấn lương thực; đàn gia súc tăng bình quân mỗi năm 20,1%; toàn huyện đã trồng 785 ha rừng, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 39,7% diện tích tự nhiên. Trong sản xuất công nghiệp, địa phương khai thác ổn định công trình thủy điện Pa Ke có công suất 26 MW; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt 55 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư với 100% tuyến đường liên xã, liên thôn, 85% đường giao thông nội thôn, nội đồng được cứng hóa. Toàn bộ các thôn, 97% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, xã Si Ma Cai được nâng cấp thành thị trấn. Tổng nguồn lực đầu tư toàn xã hội trên địa bàn trong cả giai đoạn là 2.324 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 368 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 176 tỷ đồng so với năm 2015.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 5 năm qua, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã góp công lao động, hiến đất, nguồn vật chất với tổng giá trị lên tới 65,7 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối nhiệm kỳ, huyện Si Ma Cai có 6/13 xã đạt chuẩn, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính vào tháng 3/2020, còn 4/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế phát triển, tỷ lệ giảm nghèo nhanh, từ 57,01% (năm 2015) xuống còn 12,35% (năm 2020), trung bình mỗi năm giảm 8,93%.

Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của huyện Si Ma Cai trong nhiệm kỳ mới của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án sau khi Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII được tổ chức và ra nghị quyết lãnh đạo. Tuy nhiên, định hướng phát triển vẫn sẽ bám sát vào các yêu cầu về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận hành, khai thác hiệu quả các công trình được đầu tư, phát triển tiểu thủ công nghiệp và phát huy nghề truyền thống...

Đối với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, mục tiêu là duy trì 700 ha ngô hàng hóa, 110 ha rau trái vụ an toàn, mở rộng quy mô đất trồng dược liệu lên 200 ha, cây ăn quả ôn đới đạt 800 ha. Đồng thời, cải tạo đàn trâu, bò, ngựa nhằm nâng cao tầm vóc, tỷ lệ xẻ thịt, trong đó phát triển đàn trâu hàng hóa lên 9.800 con, đàn bò đạt 4.550 con và lợn bản địa 15.500 con. Trong phát triển lâm nghiệp là thực hiện quy hoạch diện tích rừng trồng 12.500 ha để tạo môi trường, giữ nguồn nước phục vụ sản xuất và hình thành cảnh quan. Trong phát triển công nghiệp, huyện sẽ huy động nguồn lực xây dựng cụm công nghiệp tại thị trấn Si Ma Cai với diện tích 7,6 ha, thu hút vốn đầu tư xây dựng 4 nhà máy thủy điện có công suất từ 4 đến 18 MW. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, đặc biệt là hạ tầng thị trấn Si Ma Cai. Trong phát triển thương mại, dịch vụ là việc hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, xây dựng cặp chợ biên giới Hóa Chư Phùng - Lù Dì Sán nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu thương mại của cư dân 2 bên biên giới. Trong phát triển các thành phần kinh tế là việc quan tâm đặc biệt tới kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, nhóm cùng chung sở thích để tạo sự kiên kết trong sản xuất, kinh doanh, nhất là chế biến hàng nông sản, hàng thủ công truyền thống.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Si Ma Cai sẽ vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực cho cơ sở. Trong đó sẽ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tổ chức hiệu quả các hình thức sản xuất, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2 xã (Sán Chải, Thào Chư Phìn) đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thoát khỏi danh sách huyện nghèo, Đảng bộ Si Ma Cai đã xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững gắn với nâng cao trình độ dân trí, đổi mới chất lượng ngành giáo dục; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đi đôi với tích cực xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực phát triển cho cơ sở. Lĩnh vực được lựa chọn để tạo sự đột phá chính là chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, nghề, tạo việc làm mới.

Những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế được Đảng bộ huyện xác định thể hiện tầm vóc trí tuệ, khát vọng, nỗ lực vươn lên của cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và cũng là nguyện vọng, mong muốn của các tầng lớp Nhân dân huyện Si Ma Cai đối với giai đoạn phát triển mới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/giam-ngheo-san-xuat-hang-hoa-la-nhiem-vu-trong-tam-z36n20200623094430897.htm